Hội thảo khoa học quốc tế “Chuyển đổi năng lượng hướng tới công bằng và phát triển bền vững”

14:51 23/11/2022

Hội thảo do Học viện Báo chí và Tuyên truyền phối hợp với Viện Friedrich-Ebert-Stiftung (CHLB Đức) tổ chức vào sáng 22/11. Hội thảo đưa ra góc nhìn mở rộng, đa chiều về chủ đề năng lượng tái tạo và xây dựng nền kinh tế xanh bền vững.

Tham dự Hội thảo, về phía Viện Friedrich-Ebert-Stiftung (FES) có ông Axel Blacchke, Trưởng đại diện Văn phòng FES tại Việt Nam; bà Julia Behrens, Giám đốc Dự án Khí hậu và Năng lượng châu Á; các chuyên gia của Viện.

Về phía Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, có PGS,TS. Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc thường trực Học viện.

Về phía Học viện Báo chí và Tuyên truyền, có: PGS,TS. Mai Đức Ngọc, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường; PGS,TS. Phạm Minh Sơn, Phó Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện; PGS, TS.Trần Thanh Giang, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng ủy, Phó Chủ tịch Hội đồng Trường, Phó Giám đốc Học viện; các nhà khoa học đến từ các đơn vị trong Học viện.

Hội thảo còn có sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo, nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia đến từ các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương.

Quang cảnh Hội thảo quốc tế “Chuyển đổi năng lượng hướng tới công bằng và phát triển bền vững”

Phát biểu khai mạc, PGS,TS. Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc thường trực Học viện Chính tri quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, chuyển đổi năng lượng là xu thế chung của các nước trên thế giới nhằm hướng tới một nền kinh tế xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

Hội nghị lần thứ 27, các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 27) diễn ra tại Ai Cập có thông điệp xuyên suốt “Cùng nhau hành động”.

Việt Nam là một trong những quốc gia đưa ra cam kết mạnh mẽ đưa phát thải ròng về "0" vào năm 2050, loại bỏ hoàn toàn điện than vào năm 2040. Để đạt được cam kết trên Chính phủ Việt Nam đã ban hành kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, chiến lược quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn đến 2050, đồng thời đưa ra một lộ trình cụ thể nhằm hiện thực hóa các mục tiêu khí hậu đã cam kết bằng việc xây dựng hành lang pháp lý, thúc đẩy và hỗ trợ doanh nghiệp, các ngành, địa phương cùng có trách nhiệm trong quá trình biến cam kết thành hiện thực.

PGS,TS. Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc thường trực Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu khai mạc Hội thảo

Hội thảo khoa học “Chuyển đổi năng lượng hướng tới công bằng và phát triển bền vững” ngày hôm nay là dịp để các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và các chuyên gia bàn thảo một cách sâu sắc và cụ thể hơn về tầm quan trọng của việc chuyển đổi năng lượng hướng tới phát triển xanh bền vững của Việt Nam; chia sẻ những bài học của các quốc gia phát triển, đặc biệt là kinh nghiệm của Đức một trong những quốc gia đã có những chuyển đổi thành công để hướng tới 2040 đạt phát thải ròng bằng “0”.

Bà Julia Behrens, Giám đốc Dự án Khí hậu và Năng lượng Châu Á, Viện FES bày tỏ vui mừng Hội thảo đã thu hút được sự quan tâm của nhiều các nhà khoa học, chuyên gia đến từ các Trung ương và địa phương của Việt Nam. Việt Nam là một nước chịu rất nhiều những tác động của biến đổi khí hậu, tìm ra cách thích ứng phù hợp với biến đổi khí hậu của từng vùng miền là rất cần thiết. Tại hội thảo, Bà Julia Behrens mong muốn được lắng nghe các ý kiến của nhà khoa học, chuyên gia chia sẻ về thực trạng, những nhu cầu cần thiết, để từ đó Viện FES sẽ có những cách triển khai thực hiện dự án và phối hợp hỗ trợ hiệu quả.

Bà Julia Behrens, Giám đốc Dự án Khí hậu và Năng lượng Châu Á phát biểu tại Hội thảo

Theo PGS,TS. Phạm Minh Sơn, Phó Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền, để hiện thực hóa chiến lược phát triển năng lượng sạch năng lượng tái tạo, thời gian qua Việt Nam đã ưu tiên đầu tư và sử dụng năng lượng tái tạo, đồng thời khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia vào quá trình phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo.

Với quan điểm phát triển xanh, bền vững, nguồn năng lượng tái tạo trong đó năng lượng gió, mặt trời trong những thập kỷ tới sẽ là nguồn năng lượng cơ bản của hệ thống năng lượng, hệ thống điện và góp phần trọng yếu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Đầu tư phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam còn làm giảm sự lệ thuộc vào nhập khẩu than, cùng với giảm sản xuất điện than từ đó giúp bảo vệ môi trường tạo điều kiện phát triển bền vững.

PGS,TS. Phạm Minh Sơn, Phó Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền phát biểu đề dẫn Hội thảo

Hội thảo nhận được nhiều bài tham luận của các lãnh đạo, nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia đến từ các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương, các tập đoàn, doanh nghiệp tái tạo năng lượng… Ban Tổ chức Hội thảo lựa chọn được 23 bài chất lượng để đưa vào Kỷ yếu Hội thảo.

Tại phiên Hội thảo trực tiếp, các nhà khoa học, chuyên gia đã tập trung trao đổi, thảo luận về công bằng khí hậu; chính sách kinh tế xanh mới với mục tiêu loại bỏ năng lượng than đá hoàn toàn vào năm 2040 và sự tham gia của các cơ quan, ban ngành, các doanh nghiệp, công đoàn vào quá trình thảo luận đưa ra các quyết sách, quá trình chuyển đổi và các chính sách kèm theo nhằm hiện thực hoá mục tiêu sống xanh vào năm 2040; chuyển đổi công bằng hướng tới phát triển bền vững; thực trạng về những thuận lợi và khó khăn trong phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam hiện nay, từ đó đưa ra một số khuyến nghị, giải pháp nhằm hướng tới một nền kinh tế xanh, bền vững và đạt được các cam kết của chính phủ trong tương lai.

Trong các tham luận, nhiều nhà khoa học, chuyên gia đã cung cấp những thông tin, số liệu chỉ ra sự thay đổi về hệ thống khí hậu của trái đất; cho  rằngg, Chính phủ cần chú trọng vào các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu. Chính phủ cần có những chính sách nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và truyền thông rộng rãi để người dân tiếp nhận, thực hiện một cách chủ động.

Trong chiến lược chuyển đổi năng lượng bền vững, Chính phủ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các bên liên quan nhằm bảo đảm chất lượng đời sống của công nhân ngành than điện cũng như bảo đảm an sinh xã hội để người dân và người lao động các khu vực mỏ than không bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Như vậy, việc chuyển đổi năng lượng sẽ nhận được sự đồng thuận và tham gia tích cực của người dân và các bên liên quan nhất là các doanh nghiệp sản xuất và vận hành năng lượng tái tạo.

Để đạt được các cam kết về lâu dài trong chuyển đổi công bằng hướng tới phát triển bền vững, nhiều ý kiến gợi ý và đề xuất, chính phủ cần đầu tư kinh phí giúp cho những vùng bị ảnh hưởng khi dừng khai thác nhiên liệu hoá thạch, tái tạo lại việc làm mới và đào tạo lại nguồn lao động, giúp người dân có việc làm và ổn định cuộc sống. 

Hội thảo diễn ra thành công tốt đẹp, các đại biểu, nhà khoa học, chuyên gia và Ban Tổ chức Hội thảo chụp ảnh lưu niệm

Mạnh Thắng; Mai nghiêm