Chương trình nghiên cứu thực tế của Lớp K74.B11 do TS Trần Quang Phú, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý đào tạo, bồi dưỡng làm Trưởng đoàn; ThS Bùi Xuân Trường, chuyên viên cao cấp Vụ Quản lý đào tạo, bồi dưỡng, Chủ nhiệm lớp làm Phó Trưởng đoàn và 56 học viên Lớp K74.B11.
Tham dự buổi làm việc giữa Tỉnh ủy Quảng Bình với Đoàn nghiên cứu thực tế có đồng chí Nguyễn Thị Hoài Thương, Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy; đồng chí Nguyễn Viết Xuân, Trưởng Phòng bảo vệ chính trị nội bộ, Ban Tổ chức Tỉnh ủy; đồng chí Nguyễn Xuân Ngọc, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Bình.
Tại buổi làm việc, Đoàn nghiên cứu thực tế đã nghe đồng chí Nguyễn Xuân Ngọc, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Bình báo cáo thực tiễn triển khai công tác “Chuyển đổi số phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, văn hóa - du lịch tại tỉnh Quảng Bình”.

Đại diện tỉnh Quảng Bình báo cáo tại buổi làm việc
Theo báo cáo của đại diện Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Bình, trong những năm qua, thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 01/7/2014 của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế”, Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về “Một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2025”, Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã được triển khai tích cực và bước đầu đạt những kết quả quan trọng, thể hiện ở các phương diện: (1) Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, hoàn thiện thể chế số; (2) tích cực xây dựng kế hoạch, đổi mới, đa dạng hóa nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cán bộ, công chức, viên chức, cộng đồng doanh nghiệp và người dân về sự cần thiết của chuyển đổi số; quán triệt vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu về kết quả, hiệu quả chuyển đổi số trong cơ quan, đơn vị, lĩnh vực, địa bàn phụ trách; (3) phát triển nhân lực số; (4) Phát triển hạ tầng số, nền tảng số, dữ liệu số; (5) Bảo đảm an toàn, an ninh mạng; (6) Phát triển chính quyền số; (7) Phát triển kinh tế số, xã hội số. Đặc biệt, để chuyển đổi số thành công, tỉnh Quảng Bình đã xác định rõ một số lĩnh vực ưu tiên như: chuyển đổi số trong các cơ quan của hệ thống chính trị, chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế, chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa, du lịch, chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, chuyển đổi số trong lĩnh vực giao thông, vận tải và logistics,.... Trên cơ sở phân tích, đánh giá điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong quá trình thực hiện chuyển đổi số, tỉnh Quảng Bình xác định phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới.
Trao đổi với đoàn công tác, đồng chí Nguyễn Thị Hoài Thương, đồng chí Nguyễn Viết Xuân khẳng định: Cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị các cấp của Quảng Bình tập trung tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, và các chương trình, kế hoạch, cơ chế, chính sách của tỉnh về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành, bổ sung, sửa đổi hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong các lĩnh vực chuyên ngành, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, giải quyết các vấn đề nảy sinh trong tiến trình chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo tại địa phương; Xây dựng hạ tầng thông tin, hạ tầng số; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số và xây dựng chính quyền số; Thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong doanh nghiệp; Phát triển nguồn nhân lực số và tăng cường hợp tác trong nước, quốc tế về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; Bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng; Bảo đảm nguồn lực phục vụ các yêu cầu, nhiệm vụ chuyển đổi số.

Đoàn công tác chụp hình lưu niệm tại trụ sở Tỉnh ủy tỉnh Quảng Bình
Với tinh thần giao lưu, học hỏi, nghiêm túc, cầu thị, các thành viên của đoàn công tác đã tích cực trao đổi, chia sẻ ý kiến nhằm làm sáng tỏ những những ưu điểm, tồn tại và bài học kinh nghiệm trong quá trình thực hiện chuyển đổi số tại các bộ, ngành, địa phương nói chung và Quảng Bình nói riêng, qua đó, xác định một số mô hình hiệu quả để tập trung thực hiện hiện thành công mục tiêu đưa “Quảng Bình thuộc nhóm 30 tỉnh dẫn đầu về chính quyền điện tử, chính quyền số của toàn quốc” như Nghị quyết số 07-NQ/TU về chuyển đổi số tỉnh Quảng Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã đề ra.
Phát biểu tại buổi làm việc, TS.Trần Quang Phú cho biết, nghiên cứu thực tế là một trong những hoạt động quan trọng trong kế hoạch học tập, nghiên cứu của các lớp cao cấp lý luận, cụ thể hóa phương châm “đổi mới, sáng tạo”, “gắn lý luận với thực tiễn, học đi đôi với hành” của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh để thực hiện tốt nhiệm vụ nghiên cứu, giảng dạy và đào tạo, bồi dưỡng được Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao. Thay mặt Đoàn công tác, TS.Trần Quang Phú trân trọng cảm ơn lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình đã tạo điều kiện để Đoàn làm việc, nghiên cứu thực tế tại địa phương và khẳng định sự hỗ trợ tích cực này đã giúp đoàn hoàn thành tốt nhiệm vụ nghiên cứu, học tập, qua đó cổ vũ, động viên các thành viên lớp K74.B11 nỗ lực học tập, nghiên cứu, phấn đấu và thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.
Ngoài chương trình nghiên cứu thực tế tại tỉnh, Đoàn công tác đã tổ chức thăm, tặng quà tại trường THCS, THPT Việt Trung, góp phần phát triển văn hóa đọc cho các em học sinh trên địa bàn Thị trấn Nông Trường Việt Trung, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.

Đoàn công tác thăm, tặng quà tại Trường THCS, THPT Việt Trung
Trong hành trình nghiên cứu thực tế tại Quảng Bình, đoàn công tác đã tổ chức dâng hương tại địa chỉ đỏ, tri ân các anh hùng liệt sỹ, thanh niên xung phong tại Nghĩa trang Trường Sơn, Nghĩa trang Đường 9, Ngã ba Đồng Lộc, … Mỗi hình ảnh, mỗi câu chuyện xúc động nơi đây đã khiến các thành viên lớp K74.B11 thêm một lần nữa thấu cảm sự hi sinh lớn lao của cha anh đi trước để ý thức rõ hơn trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao, góp phần nhỏ bé vào thành tựu chung trong “kỷ nguyên vươn mình” của dân tộc.
Chương trình nghiên cứu thực tế là cơ hội để các đồng chí học viên Lớp K74.B11 trải nghiệm, thực tế hóa những kiến thực lý luận đã được trang bị trong quá trình học tập, nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác tại cơ quan, đơn vị, địa phương trong thời gian tới.