Giới thiệu Quy chế hoạt động thanh tra của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

20:04 24/01/2024

Ngày 08-01-2024, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã ký Quyết định số 21683-QĐ/HVCTQG ban hành Quy chế hoạt động thanh tra của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (sau đây gọi tắt là Quy chế 21683). Quy chế 21683 có hiệu lực kể từ ngày ký.

Quy chế 21683 đã được kế thừa, sửa đổi, bổ sung, cập nhật các quy định trên cơ sở Luật Thanh tra số 11/2022 ngày 14-11-2022 của Quốc hội; Nghị định số 43/2023/NĐ-CP ngày 30-6-2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thanh tra và căn cứ vào điều kiện thực tế của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Quy chế 21683 gồm 5 chương, 45 điều bao gồm các nội dung: Những quy định chung; Hoạt động thanh tra; Nhiệm vụ, quyền hạn của người ra quyết định thanh tra, thành viên đoàn thanh tra, quyền và nghĩa vụ của đối tượng thanh tra; Quan hệ công tác giữa Thanh tra Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các đơn vị khác; Tổ chức thực hiện.

Một số nội dung và điểm mới của Quy chế 21683:

1. Chương I: Những quy định chung, gồm 08 điều, trong đó: Quy định về mục đích của hoạt động thanh tra; nguyên tắc hoạt động thanh tra; chế độ thông tin báo cáo; chế độ, chính sách đối với cán bộ thanh tra; chức năng, nhiệm vụ, tổ chức của Thanh tra Học viện… Tại Chương I, đã bổ sung thêm Điều 2. Giải thích từ ngữ. 

2. Chương II: Hoạt động thanh tra, gồm 4 mục, với 28 điều, quy định về: (1) Quy định chung; (2) Chuẩn bị thanh tra; (3) Tiến hành thanh tra trực tiếp; (4) Kết thúc thanh tra. Về hình thức thanh tra, Quy chế 21683 quy định hoạt động thanh tra được thực hiện theo kế hoạch hoặc thanh tra đột xuất. Trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra được quy định tại Điều 13; Thông báo về việc công bố Quyết định thanh tra đã được ghi nhận tại Điều 22, Quy chế 21683. 

Tiến hành thanh tra trực tiếp, Quy chế 21683 bổ sung nội dung tạm dừng cuộc thanh tra, đình chỉ cuộc thanh tra tại Điều 29:

“1. Người ra quyết định thanh tra quyết định tạm dừng cuộc thanh tra trong trường hợp sau đây:

a) Có sự kiện bất khả kháng ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện cuộc thanh tra;

b) Đối tượng thanh tra đề nghị tạm dừng cuộc thanh tra mà có lý do chính đáng và được người ra quyết định thanh tra đồng ý; trong trường hợp này, thời hạn tạm dừng cuộc thanh tra không quá 30 ngày.

2. Người ra quyết định thanh tra ra quyết định đình chỉ cuộc thanh tra trong các trường hợp sau đây:

a) Đối tượng thanh tra là cá nhân đã chết; cơ quan, đơn vị, tổ chức đã bị giải thể;

b) Nội dung thanh tra đã được cơ quan có thẩm quyền kết luận;

c) Cơ quan điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về cùng nội dung thanh tra;

d) Trường hợp khác do người ra quyết định thanh tra quyết định.

3. Khi tạm dừng, đình chỉ cuộc thanh tra, người ra quyết định thanh tra có trách nhiệm hủy bỏ các biện pháp đã áp dụng theo thẩm quyền.

4. Quyết định tạm dừng, đình chỉ cuộc thanh tra phải được gửi đến đối tượng thanh tra.”

Kết thúc thanh tra, Quy chế 21683 bổ sung các hình thức công khai Kết luận thanh tra tại khoản 2, Điều 35:

“2. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày ký Kết luận thanh tra, Kết luận thanh tra được công khai. 

Việc công khai Kết luận thanh tra được lựa chọn thực hiện bằng một trong các hình thức như sau: 

- Tổ chức cuộc họp công bố Kết luận thanh tra; 

- Thông báo trên Cổng thông tin điện tử của Học viện, Học viện trực thuộc;

- Niêm yết tại trụ sở làm việc của cơ quan, đơn vị là đối tượng thanh tra”

3. Chương III: gồm 04 điều, quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Người ra quyết định thanh tra, Trưởng Đoàn thanh tra, Thành viên Đoàn thanh tra; quyền và nghĩa vụ của đối tượng thanh tra.

4. Chương IV: Quan hệ công tác, gồm 02 điều, quy định mối quan hệ giữa Thanh tra Học viện với các đơn vị khác thuộc Học viện; mối quan hệ giữa Ban Thanh tra Học viện với Ban Thanh tra các Học viện trực thuộc.

5. Chương V: Tổ chức thực hiện, gồm 03 điều. Quy chế 21683 bổ sung 01 điều về khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh và giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về hoạt động thanh tra tại Điều 43:

“1. Trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại trong hoạt động thanh tra được thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại.

2. Việc tố cáo và giải quyết tố cáo về hoạt động thanh tra được giải quyết theo quy định của pháp luật về tố cáo.

3. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết kiến nghị, phản ánh trong hoạt động thanh tra; giải quyết kiến nghị về nội dung trong Kết luận thanh tra được thực hiện theo quy định của pháp luật thanh tra”.

Quy chế 21683 ban hành kèm theo 11 mẫu văn bản sử dụng trong hoạt động thanh tra của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. 

Ban Thanh tra tổng hợp