Sáng ngày 7/5/2024, Ban Chủ nhiệm Đề tài KX.02.27/21-25 tổ chức Hội thảo khoa học “Tư tưởng Hồ Chí Minh về dân số và gia đình – ý nghĩa trong xây dựng chính sách dân số và gia đình trong bối cảnh hiện nay”. GS,TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện dự và chủ trì hội thảo.
GS,TS Lê Văn Lợi phát biểu khai mạc, đề dẫn hội thảo
Phát biểu khai mạc đề dẫn hội thảo, GS,TS Lê Văn Lợi cho biết, ngay từ những ngày đầu ra đi tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã luôn quan tâm tới vấn đề dân số và gia đình. Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội cũng vì mục tiêu dân số và phát triển chất lượng dân số của Việt Nam. Trước khi xây dựng bất kỳ một kế hoạch gì, Người đều nghiên cứu và xem xét quy mô, cơ cấu, chất lượng dân số.
Việt Nam đang bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, đô thị hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng, điều đó đòi hỏi phải nâng cao chất lượng dân số. Muốn nâng cao chất lượng dân số không thể không xây dựng chính sách xây dựng gia đình hạnh phúc. Tư tưởng Hồ Chí Minh về dân số và gia đình vẫn còn nhiều giá trị và có ý nghĩa trong giải quyết vấn đề dân số, gia đình; hàm ý chính sách dân số và gia đình trong tình hình mới hiện nay.
Quang cảnh hội thảo
Với các tham luận và nhiều ý kiến trao đổi trực tiếp, hội thảo đã đi sâu nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về dân số và hàm ý chính sách dân số trong bối cảnh hiện nay; về gia đình và xây dựng chính sách gia đình hạnh phúc; về mối quan hệ giữa chính sách dân số và chính sách gia đình trong bối cảnh hiện nay.
Các tham luận đều khẳng định tư tưởng Hồ Chí Minh về dân số và gia đình là một hệ thống quan điểm khoa học, sáng tạo, thể hiện tầm nhìn chiến lược, nhân văn sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tư tưởng của Người luôn gắn liền với mục tiêu giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hướng đến sự phát triển toàn diện, bền vững của con người Việt Nam. Trong quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, gia đình không chỉ được hiểu theo nghĩa hẹp, với tư cách là hạt nhân, tế bào, đơn vị cơ sở của xã hội, mà còn được hiểu theo nghĩa rộng, đó là gia đình của một tập thể, rộng hơn nữa, đồng bào cả nước, là hệ thống các nước XHCN đều là anh em trong một đại gia đình. Tư tưởng “độc đáo” này của Người không chỉ nhằm xóa bỏ những tàn dư lạc hậu, lỗi thời của ý thức hệ phong kiến về hôn nhân và gia đình, mà còn nhằm xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và sự nghiệp đấu tranh thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà.
Đại biểu tham luận tại hội thảo
MT, HG