Tọa đàm khoa học “Thi đua, khen thưởng - Động lực phát triển”

12:06 17/05/2024

Ngày 16/5, tại thành phố Cần Thơ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp Thành ủy thành phố Cần Thơ tổ chức Tọa đàm khoa học “Thi đua, khen thưởng - Động lực phát triển”.

Dự và chủ trì tọa đàm có: PGS,TS Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc  Học viện; đồng chí Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ; PGS,TS Nguyễn Xuân Phong, Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực IV. 

Dự tọa đàm có đại diện lãnh đạo các sở ban ngành thành phố Cần Thơ; các chuyên gia, nhà khoa học của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; đại diện lãnh đạo 12 trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực đồng bằng sông Cửu Long và lãnh đạo, cán bộ Học viện Chính trị khu vực IV.

PGS,TS Hoàng Phúc Lâm phát biểu khai mạc, đề dẫn hội thảo

Nhắc lại luận điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi bàn về vai trò của công tác thi đua, khen thưởng, phát biểu khai mạc và đề dẫn tọa đàm, PGS,TS Hoàng Phúc Lâm cho biết: trong những năm qua, cùng với cả nước, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã quán triệt sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác thi đua, khen thưởng, triển khai nhiều biện pháp để đưa công tác thi đua, khen thưởng thực sự trở thành động lực phát triển, giúp hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ chính trị được giao.

Học viện và các trường chính trị tỉnh đã tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng trong chỉ đạo tổ chức các phong trào thi đua, bảo đảm thiết thực, hiệu quả; bảo đảm “cụ thể, kịp thời, thiết thực, có trọng điểm và nắm điển hình” chống bệnh quan liêu, hình thức, ngại khó khăn trong tổ chức phong trào thi đua; Đổi mới nội dung và hình thức tổ chức phong trào thi đua, bảo đảm thiết thực, sâu rộng và bao quát toàn bộ các lĩnh vực, nhiệm vụ của Học viện và các trường chính trị. Thông qua đó tạo được tinh thần đoàn kết, gắn bó, chia sẻ và tạo động lực để đội ngũ cán bộ hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao; Đổi mới công tác sơ kết, tổng kết, khen thưởng phong trào, thường xuyên kiểm tra, sơ, tổng kết, đánh giá đúng những kết quả đã đạt được, qua đó rút ra cách làm hay, kinh nghiệm tốt để bồi dưỡng, nhân rộng các điển hình tiên tiến đồng thời phát hiện gương người tốt, việc tốt để đề xuất khen thưởng kịp thời; chỉ ra những mặt hạn chế, hướng khắc phục và bài học kinh nghiệm. 

Quang cảnh tọa đàm

Tham luận tại tọa đàm, các ý kiến một lần nữa khẳng định giá trị lý luận trường tồn về thi đua ái quốc; khẳng định vai trò, ý nghĩa của thi đua, khen thưởng là động lực phát triển. Các tham luận tập trung trao đổi về phát huy trách nhiệm nêu gương của các cấp ủy, tổ chức Đảng trong tổ chức các phong trào thi đua; về công tác tổ chức, quán triệt, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đối với hoạt động thi đua, khen thưởng; về văn hóa trong thi đua, khen thưởng; những cách làm hay, sáng tạo trong triển khai phong trào thi đua, trong công tác phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng điển hình tiên tiến…

Đặc biệt các tham luận đ xuất nhiều giải pháp hiệu quả để nâng cao chất lượng báo cáo chuyên đề về công tác thi đua, khen thưởng hệ trung cấp lý luận chính trị; thực tiễn triển khai công tác thi đua, khen thưởng ở các cơ quan, đơn vị; để thi đua, khen thưởng thực sự trở thành động lực thúc đẩy các tập thể, cá nhân hoàn thành nhiệm vụ theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “công việc hàng ngày là nền tảng của thi đua”. Và cũng từ đây, mỗi cơ quan, đơn vị sẽ có dịp cùng quán triệt sâu sắc hơn nữa tư tưởng của Người về thi đua ái quốc đó là “thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua và những người thi đua là những người yêu nước nhất”.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ phát biểu chào mừng tại tọa đàm

BBT