Triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng khung năng lực, tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá vị trí việc làm của trường chính trị cấp tỉnh” thuộc Đề án 587, ngày 22/5/2024, tại Thái Nguyên, Vụ Các trường chính trị phối hợp với Trường Chính trị tỉnh Thái Nguyên tổ chức Hội thảo “Xây dựng tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá vị trí việc làm của trường chính trị cấp tỉnh”.
Chủ trì Hội thảo có TS Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Vụ trưởng Vụ Các trường chính trị; TS Ngô Ngân Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Cán bộ; ThS Nguyễn Thu Huyền, Tỉnh uỷ viên, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Thái Nguyên đồng chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo, cán bộ chuyên viên Vụ Các trường chính trị, Văn phòng Đề án 587; Ban Giám hiệu, lãnh đạo các khoa, phòng và cán bộ, giảng viên Trường Chính trị tỉnh Thái Nguyên.
TS Nguyễn Thị Thanh Nhàn phát biểu đề dẫn Hội thảo
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, TS Nguyễn Thị Thanh Nhàn khẳng định sự cần thiết, ý nghĩa của xây dựng tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá vị trí việc làm của trường chính trị cấp tỉnh. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định mục tiêu: “Hoàn thiện thể chế, quy định về công tác cán bộ, tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí, cơ chế đánh giá cán bộ”. Trong khuôn khổ Đề án số 587/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giai đoạn 2019 - 2030, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh triển khai nhiệm vụ “Xây dựng khung năng lực, tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá vị trí việc làm của trường chính trị cấp tỉnh”.
Để có cơ sở lý luận và thực tiễn của việc xây dựng tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá các vị trí việc làm của trường chính trị cấp tỉnh, Hội thảo tập trung trao đổi, thảo luận rõ các nội dung: thực trạng và vấn đề đặt ra trong xây dựng tiểu chuẩn, tiêu chí đánh giá vị trị việc làm của trường chính trị cấp tỉnh; đề xuất xây dựng tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá cho các vị trí việc làm của trường chính trị cấp tỉnh (bao gồm lãnh đạo trường, lãnh đạo khoa, phòng, giảng viên, vị trí việc làm thuộc nhóm nghiệp vụ chuyên môn dùng chung của trường chính trị cấp tỉnh); các đề xuất, kiến nghị, giải pháp nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách về tiêu chuẩn.
Toàn cảnh Hội thảo
Hội thảo nhận được 15 tham luận và nhiều ý kiến trao đổi thảo luận của các nhà khoa học, cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ, giảng viên của Trường Chính trị tỉnh Thái Nguyên.
Các tham luận, trao đổi đều chỉ ra sự cần thiết phải ban hành tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá vị trí việc làm, các nguyên tắc xây dựng, cách tiếp cận trong xây dựng tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá vị trí việc làm (Quyết định số 2759-QĐ/BTCTW ngày 29/3/2024 của Ban Tổ chức Trung ương về ban hành danh mục vị trí việc làm viên chức của Học viện, trường chính trị, trung tâm chính trị). Đối với các vị trí việc làm của trường chính trị cấp tỉnh, gồm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, trưởng khoa, trưởng phòng, phó trưởng khoa, phó trưởng phòng, giảng viên (hạng II, hạng III), vị trí việc làm thuộc nhóm nghiệp vụ chuyên môn dùng chung của trường chính trị cấp tỉnh (đối với viên chức làm việc tại Phòng Quản lý đào tạo và Nghiên cứu khoa học, Phòng Tổ chức, hành chính, thông tin, tư liệu), tiêu chuẩn dựa trên các nhóm tiêu chuẩn: tư tưởng chính trị; đạo đức, lối sống, phẩm chất nghề nghiệp; về tác phong, lề lối làm việc, ý thức tổ chức kỷ luật; Tiêu chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ; phát triển mối quan hệ giữa nhà trường với các đơn vị liên quan đến việc triển khai hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của nhà trường; sức khoẻ.
Đối với tiêu chí đánh giá các vị trí việc làm phải dựa trên các chức năng, nhiệm vụ được giao đối với từng vị trí việc làm cụ thể. Đối với giảng viên là kết quả giảng dạy, kết quả nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn; đối với lãnh đạo khoa, tiêu chí đánh giá phải bao hàm cả kết quả tham gia giảng dạy, nghiên cứu khoa học; công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành theo chức năng, nhiệm vụ của khoa… Các đại biểu cũng làm rõ những khó khăn, hạn chế, bất cập trong công tác đánh giá cán bộ, giảng viên hiện nay và đề xuất kiến nghị, giải pháp để tiếp tục hoàn thiện công tác xây dựng tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá vị trí việc làm của trường chính trị cấp tỉnh.
Các đại biểu chụp ảnh chung
Tổng kết Hội thảo, TS Ngô Ngân Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Cán bộ, Chánh Văn phòng Đề án 587 khẳng định, Hội thảo khoa học “Xây dựng tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá vị trí việc làm của trường chính trị cấp tỉnh” là nội dung căn bản, là tiền đề quan trọng để có những căn cứ, cơ sở thực tiễn triển khai các nhiệm vụ của Đề án. Việc tổ chức Hội thảo khoa học không chỉ góp phần làm sáng rõ hơn những vấn đề lý luận về tính cấp thiết của việc xây dựng vị trí việc làm, mà còn chỉ ra những kết quả trong thực trạng triển khai xây dựng tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá vị trí việc làm của trường chính trị cấp tỉnh; những khó khăn trong triển khai đánh giá viên chức; cung cấp những luận cứ khoa học để thực hiện Đề án Xây dựng khung năng lực, tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá vị trí việc làm của trường chính trị cấp tỉnh”.
Tin, ảnh: Lưu Thị Ngọc, Vụ Các trường chính trị