Hội thảo khoa học với chủ đề: “Hội nhập quốc tế theo tư tưởng Hồ Chí Minh”

17:00 27/05/2024

Thực hiện kế hoạch nghiên cứu khoa học năm 2024, chiều ngày 23/5/2024, Viện Triết học chủ trì và phối hợp với Chi hội Triết học Học viện tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Hội nhập quốc tế theo tư tưởng Hồ Chí Minh”. PGS,TS Đặng Quang Định – Viện trưởng Viện Triết học và GS,TS Trần Văn Phòng – Chi hội trưởng Chi hội Triết học Học viện đồng chủ trì Hội thảo.

Tại Hội thảo, các đại biểu tham luận nhiều vấn đề về hội nhập quốc tế hiện nay trên cơ sở vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh. Các ý kiến tham luận khẳng định, Hồ Chí Minh là người đã đặt nền móng cho việc thiết lập quan hệ của Việt Nam đối với các nước trên thế giới, góp phần tăng cường sự hiểu biết, tin cậy, giúp đỡ lẫn nhau vì hòa bình, độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội.

Đại biểu dự hội thảo

Các tham luận đã tập trung làm rõ những nguyên tắc căn bản mà Hồ Chí Minh nêu ra trong quá trình hội nhập quốc tế bao gồm:

Thứ nhất, đoàn kết, hợp tác quốc tế phải vì lợi ích dân tộc và hạnh phúc của nhân dân. Hồ Chí Minh yêu cầu xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ cách mạng, “phải tuân thủ theo phương châm "TỔ QUỐC TRÊN HẾT" ở mọi nơi và mọi lúc”. Theo Người, phải thực hiện “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” là một phương pháp cách mạng được Hồ Chí Minh quán triệt trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình. Đồng thời, Người cũng yêu cầu những người cách mạng Việt Nam cần nhận thức đúng và vận dụng nhuần nhuyễn trong thực tiễn. 

Thứ hai, tự lực, tự cường trong đoàn kết, hợp tác quốc tế. Khi thiết lập các quan hệ hợp tác quốc tế thì phải tăng cường thực lực, sức mạnh quốc gia, từ sức mạnh vật chất, kinh tế đến sức mạnh văn hóa, con người, từ sức mạnh của quá khứ đến sức mạnh của hiện tại và tương lai. 

Thứ ba, đảm bảo nguyên tắc bình đẳng, công bằng trong đoàn kết, hợp tác quốc tế. Hồ Chí Minh cho rằng xây dựng một nền hòa bình chân chính trên thế giới, một trật tự thế giới mới, phải dựa trên nguyên tắc tôn trọng quyền cơ bản của tất cả các dân tộc. Công bằng và bình đẳng phải là nguyên tắc chủ đạo trên thế giới, để đảm bảo cho mỗi dân tộc tự quyết định lấy vận mệnh của mình dựa trên những giá trị văn hóa dân tộc và tôn trọng sự lựa chọn con đường phát triển của mỗi quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Các quốc gia được bình đẳng trong việc tham gia giải quyết các vấn đề quốc tế và hòa bình thế giới phải được tất cả các dân tộc quyết định không phụ thuộc vào một nhóm cầm quyền của một thiểu số các nước lớn.

Các ý kiến tham luận cũng làm rõ những thành tựu của 40 năm đổi mới, hội nhập và phát triển trên cơ sở vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết, hợp tác quốc tế, góp phần củng cố cơ đồ, vị thế, tiềm lực và uy tín quốc tế của Việt Nam hôm nay. Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng nêu lên sự cần thiết phải nhận thức một cách sâu sắc nội hàm của các khái niệm hội nhập quốc tế, đoàn kết quốc tế, quan hệ quốc tế, đặc biệt là, ở góc độ triết học; phải phát hiện được những vấn đề mới nảy sinh trong quá trình thực hiện hội nhập quốc tế hiện nay, góp phần luận giải những vấn đề lý luận và thực tiễn của hội nhập quốc tế đối với công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, nhất là phát triển khoa học – công nghệ, phát triển kinh tế xanh, bảo vệ môi trường toàn cầu, thu hút nhân tài người Việt Nam khắp nơi trên thế giới trở về đóng góp trí tuệ, nguồn lực xây dựng đất nước, v.v..

Hội thảo đã góp phần nhận thức sâu hơn tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết, hợp tác quốc tế qua đó nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế của Việt Nam hôm nay. Đồng thời cũng là diễn đàn để các nhà khoa học gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm trong nghiên cứu, giảng dạy triết học nói riêng, lý luận chính trị nói chung, góp phần nâng cao chất lượng các mặt công tác trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Viện triết học