Hội thảo khoa học quốc gia: “Văn hóa, đạo đức, pháp lý của nội dung truyền thông số trên mạng xã hội ở Việt Nam hiện nay”

15:32 01/06/2024

Trong bối cảnh bùng nổ thông tin và trước những hạn chế trong công tác quản lý nhà nước về báo chí truyền thông, nội dung truyền thông số trên mạng xã hội đang phải đối diện với những thách thức về văn hóa, đạo đức, pháp lý. Do đó, cần có những nghiên cứu, trao đổi cụ thể về những vấn đề liên quan đến văn hóa, đạo đức, pháp lý của nội dung truyền thông số trong giai đoạn hiện nay.

Sáng 31/5/2024, tại Hà Nội, Học viện Báo chí và Tuyên truyền và Học viện Cảnh sát nhân dân phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học Quốc gia với chủ đề: “Văn hóa, đạo đức, pháp lý của nội dung truyền thông số trên mạng xã hội ở Việt Nam hiện nay”.

Các đại biểu, nhà khoa học tham dự Hội thảo

Chủ trì Hội thảo có các đồng chí: GS,TS. Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Trung tướng, GS,TS Trần Minh Hưởng, Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân; PGS,TS. Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Tham dự Hội thảo có các đồng chí đại diện lãnh đạo, nhà khoa học đến từ các ban, bộ, ngành ở Trung ương và địa phương, đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo các tỉnh, đại diện lãnh đạo Bộ Công an, các Cục, Vụ và Công an các tỉnh, thành phố, các trường đại học, cơ quan báo chí truyền thông trên cả nước.

Trung tướng, GS,TS. Trần Minh Hưởng, Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Trung tướng, GS,TS. Trần Minh Hưởng, Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân khẳng định, việc xây dựng một môi trường mạng xã hội văn minh, an toàn với các nội dung truyền thông số đảm bảo văn hóa, đạo đức, được quy định pháp lý chặt chẽ ở Việt Nam hiện nay là cấp bách, quan trọng.

Hội thảo “Văn hóa, đạo đức, pháp lý của nội dung truyền thông số trên mạng xã hội ở Việt Nam hiện nay” có ý nghĩa rất thiết thực trong bối cảnh cả hệ thống chính trị đang tích cực thực hiện Chiến lược Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, với tầm nhìn “phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp” ở Việt Nam.

GS,TS. Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu Đề dẫn Hội thảo

Đề dẫn Hội thảo, GS,TS. Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Tiềm năng phát triển nội dung truyền thông số trên mạng xã hội ở Việt Nam là rất lớn, đem đến nhiều thuận lợi cho việc thực hiện thành công Chiến lược chuyển đổi số quốc gia. Song điều này cũng đặt ra nhiều thách thức và yêu cầu cấp bách đối với công tác quản lý nội dung truyền thông số, đặc biệt là vấn đề đảm bảo các giá trị văn hóa, đạo đức và quy định pháp lý của hàng tỷ nội dung số trên mạng xã hội, trong bối cảnh những nội dung này đang ảnh hưởng ngày càng sâu sắc đến nhận thức, hành vi, thói quen và đời sống tinh thần hàng ngày của nhiều nhóm người trong xã hội.

Theo GS,TS. Lê Văn Lợi, trong bối cảnh nước ta đang hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay, sự xâm nhập, tiếp biến của các luồng văn hóa từ nước ngoài cũng tạo những tác động trái chiều, có thể làm xói mòn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Sự chống phá của các thế lực thù địch, phản động qua không gian mạng, nhất là mạng xã hội tiếp tục diễn biến phức tạp, với nhiều thủ đoạn tinh vi, nham hiểm. Trong khi đó, hiện vẫn còn những lỗ hổng pháp lý, bảo mật và khó khăn nhiều mặt trong quản lý hàng tỷ nội dung số trên các mạng xã hội mỗi ngày ở Việt Nam, khiến cho việc theo dõi, kiểm tra, giám sát và xử lý các hành vi phản văn hóa, trái đạo đức, vi phạm pháp luật trên mạng xã hội gặp nhiều thách thức.

Hội thảo nhận được 93 bài tham luận có chất lượng cao từ các nhà khoa học. Các bài tham luận đã tiếp cận chủ đề Hội thảo từ nhiều chiều cạnh khác nhau.

Hội thảo lắng nghe trực tiếp 11 báo cáo tham luận tiêu biểu, đại diện cho nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm. Các ý kiến của các nhà khoa học đã tập trung thảo luận một số nội dung như: Văn hóa đạo đức trong nội dung truyền thông số trên mạng xã hội, những vấn đề đặt ra đối với công tác công an; Đấu tranh chống thông tin xấu, độc, trái với văn hóa, đạo đức và quy định của pháp luật trên mạng xã hội ở Việt Nam hiện nay; Tính chất của truyền thông số trên mạng xã hội và thách thức đặt ra đối với công tác bảo đảm an ninh, trật tự của lực lượng CAND hiện nay; Tiếp tục đổi mới công tác tư tưởng, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, cập nhật kiến thức lý luận chính trị trên internet, mạng xã hội trong bối cảnh chuyển đổi số ở Việt Nam hiện nay...

PGS,TS. Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền phát biểu tổng kết Hội thảo

Tổng kết Hội thảo, PGS,TS. Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền khẳng định, những ý kiến tham luận của các đại biểu, nhà nghiên cứu, nhà khoa học đã cung cấp những luận cứ khoa học hữu ích cho việc tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả nghiên cứu vấn đề văn hóa, đạo đức, pháp lý của nội dung truyền thông số trên mạng xã hội tại Học viện Báo chí và Tuyên truyên và Học viện Cảnh sát nhân dân cũng như các cơ quan, đơn vị trong cả nước; từ đó, góp phần nâng cao chất lượng văn hóa, đạo đức, pháp lý của nội dung truyền thông số trên mạng xã hội ở Việt Nam trong tình hình mới.

PGS, TS. Phạm Minh Sơn nhấn mạnh, với nhiều góc tiếp cận chủ đề Hội thảo khác nhau, các ý kiến của các đại biểu, nhà khoa học đã tập trung phân tích, làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn, thực trạng về văn hóa, đạo đức, pháp lý của nội dung truyền thông số trên mạng xã hội ở Việt Nam; đánh giá ưu điểm, hạn chế; đưa ra những giải pháp và khuyến nghị xây dựng văn hóa, đạo đức, bảo đảm tuân thủ pháp lý của nội dung truyền thông số trên mạng xã hội ở nước ta trong thời gian tới.

Hội thảo cũng làm rõ những vấn đề cấp bách trong công tác quản lý, lãnh đạo của cả hệ thống chính trị đối với truyền thông số trên mạng xã hội cũng như những ảnh hưởng của truyền thông số đối với công tác bảo vệ an ninh quốc gia, công tác phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự của lực lượng công an nhân dân, nhằm xây dựng và thực hiện tốt các giải pháp, góp phần bảo đảm giá trị văn hóa, đạo đức, nâng cao nhận thức pháp luật trong nội dung truyền thông số trên mạng xã hội, tiến đến xây dựng con người có nhân cách và môi trường văn hóa lành mạnh, trở thành nguồn lực vững chắc, to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Các đại biểu, nhà khoa học chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo

 

MT dẫn tin từ Học viện Báo chí và Tuyên truyền