Ngày 23/9/2024, Viện Tôn giáo và Tín ngưỡng phối hợp với Viện Quyền con người (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) tổ chức sinh hoạt khoa học với chủ đề Báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về quyền con người và tự do tôn giáo ở Việt Nam.
Buổi sinh hoạt khoa học được tổ chức nhằm cung cấp cho cán bộ, giảng viên của hai viện về nội dung Báo cáo Nhân quyền và Báo cáo Tự do tôn giáo tại Việt Nam của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ những năm gần đây, phục vụ cho công tác nghiên cứu, giảng dạy và đấu tranh với các quan điểm sai trái về nhân quyền và tự do tôn giáo ở nước ta.
PGS,TS Hoàng Thị Lan, Bí thư chi bộ, Viện trưởng Viện Tôn giáo và Tín ngưỡng chủ trì buổi sinh hoạt khoa học. Báo cáo viên gồm TS. Nguyễn Khắc Đức, Viện Tôn giáo và Tín ngưỡng; TS. Chu Thị Thúy Hằng, Viện Quyền con người; ThS. Nguyễn Đức Toàn, Ban Tôn giáo Chính phủ. Tham dự buổi sinh hoạt khoa học có lãnh đạo và cán bộ, giảng viên của Viện Tôn giáo và Tín ngưỡng, Viện Quyền con người (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), Viện Nghiên cứu tôn giáo (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam).
Quang cảnh buổi sinh hoạt khoa học chuyên đề
Ba báo cáo viên lần lượt trình bày các nội dung cơ bản trong báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về nhân quyền và tự do tôn giáo tại Việt Nam những năm gần đây và những hoạt động của Việt Nam nhằm đấu tranh với những nhận định thiếu khách quan trong Báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.
Về tình hình nhân quyền tại Việt Nam, TS. Chu Thị Thúy Hằng cho biết, từ năm 1977 đến nay, hàng năm, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ trình lên Quốc hội Báo cáo Nhân quyền (viết tắt tiếng Anh là HRR) về tình hình nhân quyền của gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, những Báo cáo Nhân quyền tại Việt Nam nhiều năm qua cơ bản không có nhiều thay đổi ngay cả khi Việt Nam được thế giới công nhận sự tiến bộ về nhân quyền, được bầu vào Hội đồng Nhân quyền của Liên hợp quốc nhiệm kỳ thứ hai (năm 2022). Nhận định của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về tình hình nhân quyền ở Việt Nam những năm qua có nhiều điểm thiếu khách quan với tình hình thực tế ở Việt Nam.
Về tình hình tự do tôn giáo tại Việt Nam, TS. Nguyễn Khắc Đức cho biết, hàng năm, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố Báo cáo Tự do tôn giáo quốc tế của gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hoạt động này diễn ra từ sau khi Chính phủ Hoa Kỳ ban hành Luật Tự do tôn giáo quốc tế năm 1998 (sửa đổi năm 2016) nhằm lên án các hành vi vi phạm quyền tự do tôn giáo và thúc đẩy các quốc gia trên thế giới tăng cường tự do tôn giáo. Từ năm 2016, theo Luật Tự do tôn giáo quốc tế sửa đổi, bên cạnh việc xếp một số quốc gia vào danh sách Các quốc gia cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo (CPC) còn có Danh sách theo dõi đặc biệt về tự do tôn giáo (SWL). Những quốc gia trong danh sách theo dõi đặc biệt được Chính phủ Hoa Kỳ quan tâm thực hiện các hoạt động đối ngoại nhằm thúc đẩy tự do tôn giáo. Nếu tình hình tự do tôn giáo không được cải thiện, các quốc gia này có thể bị đưa vào nhóm CPC và sẽ gặp nhiều khó khăn trong quan hệ với Hoa Kỳ, nhất là phương diện kinh tế và thương mại. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ trong các năm 2004 và 2005 đã đưa Việt Nam vào danh sách CPC; các năm 2022 và 2023 đã xếp Việt Nam vào danh sách SWL. Nội dung các báo cáo tự do tôn giáo tại Việt Nam của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nhiều năm gần đây có những nhận định thiếu khách quan do dựa trên những tài liệu của các cá nhân, tổ chức thù địch với Việt Nam, tiêu biểu như tổ chức Cứu trợ Thuyền nhân (BPSOS).
ThS. Nguyễn Đức Toàn, Ban Tôn giáo Chính phủ báo cáo chuyên đề
Về tình hình đấu tranh với Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ khi đưa nước ta vào danh sách SWL, ThS. Nguyễn Đức Toàn cho biết, thời gian vừa qua, Việt Nam đã không ngừng hoàn thiện chính sách, pháp luật, tạo cơ sở pháp lý bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo đến mọi tầng lớp nhân dân; thực hiện nhiều phóng sự, phim tài liệu về tôn giáo, tín ngưỡng phát trên Đài Truyền hình quốc gia để thông tin cho người dân, bạn bè quốc tế và kiều bào về chủ trương, chính sách tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tôn giáo; chủ động hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tôn giáo tham gia các diễn đàn tôn giáo quốc tế; duy trì quan hệ với các cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài ở Việt Nam để cung cấp thông tin chính thống về tình hình tôn giáo của nước ta; cập nhật thông tin về tôn giáo trên các website của Chính phủ, nhất là của Ban Tôn giáo Chính phủ; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo.
Tại buổi sinh hoạt khoa học, các đại biểu đã dành nhiều thời gian thảo luận về nội dung trong Báo cáo Nhân quyền và Báo cáo Tự do tôn giáo tại Việt Nam của Bộ Ngoại giao Mỹ các năm 2022 và 2023 từ hai cách tiếp cận: nghiên cứu khoa học và quản lý nhà nước; cũng như kinh nghiệm vận dụng trong nghiên cứu, giảng dạy, trao đổi, chia sẻ thông tin chính thức và khách quan cho các cá nhân và tổ chức nước ngoài về nhân quyền và tự do tôn giáo ở Việt Nam./.
Tin và ảnh: Hải Yến – Phương Chi