Chiều ngày 24/9/2024, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học “Triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khoá XIII về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, gắn với chức năng, nhiệm vụ của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh”. GS,TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh dự và chủ trì Hội thảo.
Cùng dự có đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Học viện; các chuyên gia, các nhà khoa học trong và ngoài Học viện.
GS,TS Lê Văn Lợi báo cáo đề dẫn Hội thảo
Báo cáo đề dẫn Hội thảo, GS,TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định, dựng nước đi đôi với giữ nước là quy luật tồn tại và phát triển của dân tộc Việt Nam. Xuyên suốt chặng đường gần 40 năm đổi mới đất nước (1986-2024), đường lối, quan điểm của Đảng về quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc đã không ngừng được bổ sung, phát triển qua các kỳ đại hội; và gần như thành thông lệ, cứ sau 10 năm thực hiện nội dung Nghị quyết, xuất phát từ đòi hỏi của thực tiễn, yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, Đảng ta lại ban hành Nghị quyết về Chiến lược về bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Đó là Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX) năm 2003; Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) năm 2013; và gần đây nhất Hội nghị Trung ương 8 (khóa XIII) ngày 24/11/2023 đã thông qua Nghị quyết 44-NQ/TW- Nghị quyết về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Với ý nghĩa đó, GS,TS Lê Văn Lợi cho biết, Hội thảo khoa học “Triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XIII về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, gắn với chức năng, nhiệm vụ của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh” là dịp để khẳng định những giá trị to lớn trong Chiến lược bảo vệ Tổ quốc mà Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII của Ban Chấp hành Trung ương Đảng thông qua; đồng thời là sự triển khai, vận dụng, cụ thể hóa tinh thần của Nghị quyết 44 thực sự đi vào cuộc sống, góp phần tạo môi trường để phát triển và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Quang cảnh Hội thảo
Đồng chí Phó Giám đốc Học viện nhấn mạnh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh là trung tâm quốc gia đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý trung, cao cấp, cán bộ khoa học lý luận chính trị của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể chính trị - xã hội; nghiên cứu đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; nghiên cứu khoa học chính trị, khoa học lãnh đạo, quản lý phục vụ giảng dạy, học tập, góp phần cung cấp luận cứ khoa học trong việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước… Vì thế, việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng ủy Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đối với công tác quốc phòng, an ninh tại Học viện vừa là cơ sở cho việc tuyên truyền, triển khai đồng bộ, hệ thống các Nghị quyết về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, đồng thời hướng đến nhiệm vụ cung cấp những luận cứ khoa học góp phần hoàn thiện lý luận, tham vấn những nội dung để thực hiện chính sách, để các cấp ủy đảng lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác quốc phòng, an ninh thực sự hiệu quả, chiều sâu….
Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã thẳng thắn trao đổi, thảo luận những kết quả và kinh nghiệm về lý luận và thực tiễn quá trình Đảng vận dụng và phát triển sáng tạo học thuyết Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc; đánh giá những thành tựu đạt được, những hạn chế, khuyết điểm trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc; từ đó tập trung làm rõ bối cảnh, cơ sở khoa học để Đảng ta ban hành Nghị quyết Trung ương 8 khoá XIII về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”.
Đại biểu tham luận tại Hội thảo
Đại biểu tham luận tại Hội thảo
Trên cơ sở phân tích mục tiêu, quan điểm chỉ đạo, phương châm, nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết 44 - Nghị quyết Trung ương 8 khóa XIII về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, Hội thảo làm rõ việc triển khai có hiệu quả các nội dung, tinh thần của Nghị quyết Trung ương 8 khóa XIII về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” gắn với hoạt động thực tiễn của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, từ khâu tham vấn chính sách cho Đảng, Nhà nước, thông qua các đề tài nghiên cứu, hệ thống giáo trình, chương trình, tài liệu phục vụ cho công tác đào tạo, bồi dưỡng; và triển khai nhiệm vụ công tác quân sự, quốc phòng, an ninh của Học viện…
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại hội thảo
Minh Hằng & Đức Mạnh