Hội thảo khoa học “Phát triển văn học, nghệ thuật trong bối cảnh đổi mới và hội nhập - Thực trạng và những vấn đề đặt ra"

13:58 08/10/2024

Thực hiện kế hoạch triển khai nhiệm vụ khoa học phân cấp năm 2024, sáng ngày 04/10/2024, Viện Văn hóa và Phát triển tổ chức Hội thảo khoa học: “Phát triển văn học, nghệ thuật trong bối cảnh đổi mới và hội nhập - Thực trạng và những vấn đề đặt ra". PGS,TS Vũ Thị Phương Hậu - Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển dự và chủ trì hội thảo.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS,TS Vũ Thị Phương Hậu - Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển khẳng định: Văn học, nghệ thuật là một hình thái ý thức xã hội đặc thù; là lĩnh vực đặc biệt nhạy cảm, tinh tế của văn hóa, thể hiện khát vọng của nhân dân về chân, thiện, mỹ.

PGS,TS Vũ Thị Phương Hậu - Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển phát biểu đề dẫn Hội thảo

Nhận thức rõ về vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của văn học, nghệ thuật, ngay từ khi ra đời, lãnh đạo sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặc biệt quan tâm đến sự nghiệp phát triển nền văn học, nghệ thuật nước nhà.

Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, văn học, nghệ thuật đạt được nhiều thành tựu to lớn, đóng góp xuất sắc vào công cuộc kháng chiến, kiến quốc, góp phần quan trọng vào việc xây dựng, bồi dưỡng, hình thành nhân cách, lối sống tốt đẹp cho con người.

Trong thời kỳ đổi mới, Đảng đã ban hành nhiều nghị quyết về văn hóa, văn nghệ, tiêu biểu như: Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư, Ban Chấp hành Trung ương khóa VII về một số nhiệm vụ văn hóa, văn nghệ những năm trước mắt, Nghị quyết Trung ương năm khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đặc biệt vào năm 2008, Bộ Chính trị khóa X đã ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới. Có thể khẳng định đây là nghị quyết chuyên đề đầu tiên của Đảng về văn học, nghệ thuật trong thời kỳ đổi mới, định hướng mục tiêu, con đường phát triển của nền văn học, nghệ thuật nước nhà.

Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW, Bộ Chính trị khóa XIII đã ban hành Kết luận số 84-KL/TW ngày 21/6/2024 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới. Trong đó, Bộ Chính trị nhận định: Những năm qua, lĩnh vực văn học, nghệ thuật đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền quan tâm, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, thể chế hoá chính sách và nguồn lực cho phát triển văn học, nghệ thuật. Tự do, dân chủ trong sáng tạo văn học, nghệ thuật được bảo đảm, tôn trọng và phát huy. Hoạt động sáng tạo văn học, nghệ thuật ngày càng sôi động, phong phú về nội dung, đa dạng về phương thức thể hiện. Công tác nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật có nhiều cố gắng, góp phần phát hiện, khẳng định cái hay, cái đẹp; đấu tranh, phê phán các khuynh hướng lệch lạc, sai trái trong đời sống văn nghệ. Các tổ chức, hội văn học, nghệ thuật từng bước đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Đội ngũ văn nghệ sĩ không ngừng lớn mạnh về nhiều mặt, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, gắn bó mật thiết với Nhân dân, tâm huyết với sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa dân tộc; say mê với nghề nghiệp, khát khao cống hiến và sáng tạo…

Tuy nhiên bên cạnh những thành tựu, kết quả đạt được, đời sống văn học, nghệ thuật cũng còn những bất cập, hạn chế, đứng trước nhiều vấn đề mới đang đặt ra, như: Chính sách, pháp luật chưa theo kịp thực tiễn phát triển văn học, nghệ thuật; công tác phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và tạo điều kiện để phát huy tài năng, nhất là tài năng trẻ và các tài năng trong lĩnh vực nghệ thuật truyền thống còn bất cập, thiếu hụt đội ngũ văn nghệ sĩ kế cận; thiếu vắng những văn nghệ sĩ lớn có tầm ảnh hưởng tới đông đảo văn nghệ sĩ và xã hội; thiếu những tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, phản ánh sinh động tầm vóc công cuộc đổi mới, có tác dụng động viên, cổ vũ, tạo động lực đối với con người, cuộc sống…

Đại biểu tham luận tại Hội thảo

Hội thảo: “Phát triển văn học, nghệ thuật trong bối cảnh đổi mới và hội nhập - Thực trạng và những vấn đề đặt ra” nằm trong khuôn khổ nhiệm vụ khoa học phân cấp năm 2024, diễn ra trong bối cảnh Đảng tiến hành tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X; 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI; đây cũng là hoạt động chuyên môn gắn với nhiệm vụ nghiên cứu và giảng dạy lý luận văn hóa và đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng tại Viện Văn hóa và Phát triển.

Tại Hội thảo các nhà khoa học đã tập trung làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn xây dựng, phát triển nền văn học, nghệ thuật Việt Nam thời gian qua, trong đó đi sâu bàn luận về: Quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật; Đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng Cộng sản Việt Nam; Thực trạng đời sống văn học, nghệ thuật ở nước ta thời gian qua; Bối cảnh mới và những vấn đề đặt ra trong phát triển văn học, nghệ thuật Việt Nam hiện nay; Dự báo xu hướng phát triển và đề xuất những giải pháp thiết thực để thúc đẩy sự nghiệp phát triển văn học, nghệ thuật, đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ ngày càng đa dạng, phong phú của nhân dân.

Những kết quả của Hội thảo có ý nghĩa quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, giảng dạy về văn hóa, văn nghệ tại Viện Văn hóa và Phát triển, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ tình hình mới hiện nay.

 

 

Nguyễn Huy Phòng, Viện Văn hóa và Phát triển