Toạ đàm “Lãnh đạo, quản trị phát triển bền vững, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh: Kinh nghiệm Đông Nam Á, Nhật Bản và Việt Nam”

21:19 23/10/2024

Sáng ngày 23/10/2024, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp cùng Viện Nghiên cứu kinh tế Đông Nam Á và Đông Á (ERIA) tổ chức toạ đàm “Lãnh đạo, quản trị phát triển bền vững, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh: Kinh nghiệm Đông Nam Á, Nhật Bản và Việt Nam”.

Quang cảnh Toạ đàm

PGS,TS Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc thường trực Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; ông Watanabe Tetsuya, Giám đốc Viện ERIA; PGS,TS Hoàng Văn Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cùng chủ trì Toạ đàm.

Dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo các viện nghiên cứu chuyên ngành trực thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, cán bộ, giảng viên trong và ngoài Học viện; các chuyên gia, các nhà khoa học đến từ Viện ERIA.

Phát biểu đề dẫn Toạ đàm, PGS,TS Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc thường trực Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, Toạ đàm “Lãnh đạo, quản trị phát triển bền vững, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh: Kinh nghiệm Đông Nam Á, Nhật Bản và Việt Nam” được tổ chức ngay sau khi Học viện và Viện ERIA ký kết văn bản ghi nhớ hợp tác giữa hai bên. Điều này cho thấy hai bên đã sẵn sàng cho một giai đoạn hợp tác mới đầy triển vọng. 


PGS,TS Nguyễn Duy Bắc phát biểu đề dẫn Toạ đàm

PGS,TS Nguyễn Duy Bắc cho biết, trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự điều hành của Nhà nước, sự nỗ lực của doanh nghiệp và nhân dân, nền kinh tế đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Kinh tế tăng trưởng tương đối cao, liên tục trong nhiều năm, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh và được thế giới ghi nhận. Năm 2023, quy mô nền kinh tế Việt Nam đạt khoảng 430 tỷ USD, đứng thứ 35 trên thế giới; GDP bình quân đầu người khoảng 4.300 USD, thoát khỏi nhóm nước có thu nhập trung bình.

Trong những năm tới, Việt Nam chuẩn bị bước sang một kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam. Để đạt được mục tiêu phát triển của mình, trong những năm qua Đảng và Nhà nước Việt Nam rất quan tâm đến đổi mới quản trị quốc gia, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Trong biên bản ghi nhớ hợp tác vừa được ký kết giữa Học viện và Viện ERIA, các trụ cột của phát triển bền vững như chuyển đổi số, năng lượng xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, giảm phát thải carbon... cũng là những lĩnh vực được xác định là trọng tâm ưu tiên hợp tác của hai bên, đồng chí Phó Giám đốc thường trực Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chia sẻ.

PGS,TS Nguyễn Duy Bắc mong muốn, với tọa đàm “Lãnh đạo, quản trị phát triển bền vững, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh: Kinh nghiệm Đông Nam Á, Nhật Bản và Việt Nam”, các đại biểu sẽ cùng trao đổi về tiềm năng, thế mạnh của mỗi bên và khả năng thúc đẩy hợp tác trong những lĩnh vực này, chia sẻ kinh nghiệm của các quốc gia Đông Nam Á, Nhật Bản, Việt Nam về lãnh đạo, quản trị phát triển bền vững, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh; từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu, thúc đẩy sự phát triển của Việt Nam, Nhật Bản nói riêng, các nước Đông Nam Á và Đông Á nói chung.


Giám đốc Viện ERIA chia sẻ tại Toạ đàm

Chia sẻ tại Tọa đàm, ông Watanabe Tetsuya, Giám đốc Viện ERIA bày tỏ vui mừng khi hai bên đã ngay lập tức hiện thực hóa biên bản ghi nhớ hợp tác song phương với việc phối hợp cùng tổ chức tọa đàm “Lãnh đạo, quản trị phát triển bền vững, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh: Kinh nghiệm Đông Nam Á, Nhật Bản và Việt Nam” - một chủ đề mà Nhật Bản, Việt Nam và các nước Đông Nam Á rất quan tâm. 

Giám đốc Viện ERIA cho biết, được thành lập từ năm 2008 tại Indonesia, ERIA là một tổ chức quốc tế được Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các đối tác đối thoại: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Australia, Ấn Độ thống nhất thành lập để tiến hành các hoạt động nghiên cứu và đưa ra các khuyến nghị chính sách cho hội nhập kinh tế sâu hơn ở Đông Á. Ba trụ cột chính của ERIA là "Thúc đẩy hội nhập kinh tế", "Thu hẹp khoảng cách phát triển" và "Phát triển bền vững" với các lĩnh vực hoạt động chính, gồm kinh tế và thương mại, chăm sóc y tế, năng lượng, số hoá, môi trường và nông nghiệp. Trong đó, Trung tâm không phát thải châu Á là sáng kiến mới của ERIA hướng tới mục tiêu phát thải bằng 0, vì một tương lai bền vững của châu Á. Những chương trình nghiên cứu chiến lược của Trung tâm là lộ trình trung hoà cácbon, những hành động cụ thể trong từng lĩnh vực và công nghệ cần thiết để trung hoà cácbon, thị trường cácbon và tài chính xanh.

Theo ông Watanabe Tetsuya, với chức năng, nhiệm vụ của mình, ERIA đã nghiên cứu và đưa ra nhiều khuyến nghị thiết thực cho các nước ASEAN và các đối tác đối thoại trong lĩnh vực phát triển bền vững, hội nhập và phát triển kinh tế sâu rộng. Mới đây, ERIA đã đưa ra kế hoạch tổng thể về thế hệ mới của ngành công nghiệp ô tô dành cho ASEAN – Nhật Bản tại Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN vào tháng 9/2024, với động lực chính xuất phát từ các vấn đề môi trường, phát triển bền vững và các công nghệ mới, hướng đến những xu thế mới trong lĩnh vực năng lượng, giao thông, môi trường và kinh tế, thúc đẩy sự chuyển đổi và phát triển mạnh mẽ của ô tô điện tại ASEAN và Nhật Bản. ERIA cũng đã có những nghiên cứu cụ thể về chuỗi cung ứng bán dẫn ở ASEAN và Ấn Độ, thực trạng, cơ hội và những vấn đề đang đặt ra, từ đó đề xuất các khuyến nghị chính sách phù hợp cho các nước ASEAN và Ấn Độ trong lĩnh vực này.

Các chuyên gia, các nhà khoa học ERIA tham dự Tọa đàm

Khẳng định nguồn nhân lực là nhân tố then chốt để hiện thực hoá các mục tiêu phát triển và hội nhập kinh tế sâu rộng, bền vững của mọi quốc gia, ông Watanabe Tetsuya cho biết vào tháng 9 vừa rồi, ERIA đã thành lập Trường Đào tạo quản trị với mục tiêu và tầm nhìn trở thành trường chính sách công hàng đầu của Đông Nam Á, tạo ra một trung tâm tri thức định hình tương lai của chính sách công trong khu vực. Trong đó học bổng ERIA là chương trình dành cho các viên chức chính phủ cấp trung, các tiến sĩ chính sách công để tham gia cộng đồng các chuyên gia quản trị quan tâm đến các lợi ích khu vực, kết nối với các đối tác cam kết đối phó với các thách thức chính sách công khu vực, từ đó hiểu sâu về ASEAN và các vấn đề khu vực. Chương trình đào tạo điều hành ERIA là mạng lưới các chuyên gia cấp cao tham gia giảng dạy, tư vấn cho các toạ đàm điều hành, diễn đàn công và các chương trình học bổng của ERIA. Đây là nền tảng cốt lõi của Trường Đào tạo quản trị ERIA và là trung tâm của mạng lưới chuyên gia chính sách công Đông Nam Á. Ngoài ra, hai trụ cột khác của Trường Đào tạo quản trị ERIA là Diễn đàn lãnh đạo ERIA và Dự án ký ức thể chế Đông Nam Á.

Trên cơ sở những chia sẻ của Giám đốc Viện ERIA, các đại biểu tham dự đã cùng phân tích, làm rõ hơn những sáng kiến, nghiên cứu của ERIA về thực tiễn và kinh nghiệm của các nước ASEAN, Nhật Bản và các đối tác đối thoại khác của ASEAN trong lãnh đạo, quản trị phát triển bền vững, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh; những điều Việt Nam có thể học hỏi và rút ra lộ trình, khuyến nghị chính sách trong việc hiện thực hoá mục tiêu giảm phát thải về 0 trong thời gian tới, nhất là từ sáng kiến Trung tâm không phát thải châu Á của ERIA; chính sách về hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, thu hút doanh nghiệp chế tạo bán dẫn và phụ trợ cho ngành công nghiệp bán dẫn trong tương lai từ nghiên cứu về chuỗi cung ứng bán dẫn ở ASEAN và Ấn Độ của ERIA; hợp tác trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, chuyên gia cấp cao, trao đổi, chia sẻ tri thức thông qua các trụ cột hợp tác của Trường Đào tạo quản trị ERIA và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh./.

 

Phương Hoa, LH & Hương Giang