Hội thảo khoa học “Quan điểm, giải pháp và kiến nghị tiếp tục nghiên cứu, vận dụng, phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục và đào tạo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”

16:46 26/11/2024

Ngày 25-11-2024, Đề tài KX.02.28/21-25, tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Quan điểm, giải pháp và kiến nghị tiếp tục nghiên cứu, vận dụng, phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục và đào tạo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

GS,TS Mạch Quang Thắng - Chủ nhiệm đề tài KX.02.28/21-25 phát biểu tại Hội thảo

Chủ trì Hội thảo có PGS,TS Nguyễn Danh Tiên - Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, đại diện cơ quan chủ trì và GS,TS Mạch Quang Thắng - Chủ nhiệm đề tài KX.02.28/21-25.

Tham dự Hội thảo khoa học có đại diện Vụ Quản lý khoa học, Văn phòng Chương trình KX.02/21-25; các nhà khoa học đến từ Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội; Học viện Chính trị khu vực I; Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng; Học viện Quản lý giáo dục; Trường Đại học Công đoàn; Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong; Học viện Hành chính quốc gia; Viện Xã hội học và Phát triển, Viện Văn hóa và Phát triển, Viện Quyền con người, Viện Xây dựng Đảng, Viện Lịch sử Đảng, Tạp chí Lịch sử Đảng, Vụ Các trường chính trị, Ban Công tác Đảng - Đoàn thể…

Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe GS,TS Phạm Hồng Tung - nguyên Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội trình bày những nội dung chính trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục và đào tạo; những kiến nghị chủ yếu của Ban Chủ nhiệm đề tài KX.02.28/21-25 đối với Đảng, Nhà nước và các cơ quan có liên quan, nhằm xây dựng đường lối, chính sách về giáo dục và đào tạo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

GS,TS Phạm Hồng Tung - nguyên Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội trình bày tham luận tại Hội thảo

Thảo luận tại Hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, làm rõ những quan điểm, tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục và đào tạo, góp phần xây dựng nền tảng cho giáo dục cách mạng Việt Nam trong những năm qua.

Trong thời kỳ đổi mới, Đảng và Nhà nước ta đã tiếp tục nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng của Người trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo, với việc ban hành nhiều chủ trương, nghị quyết quan trọng để đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo, trong đó đặc biệt quan trọng là Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo; Kết luận số 91-KL/TW ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện nghị quyết số 29 ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, v.v.. Qua đó góp phần đưa nền giáo dục và đào tạo của Việt Nam đạt được nhiều thành tựu đáng trân trọng.

Đồng thời, các đại biểu cũng chỉ rõ thực trạng và những bất cập của giáo dục Việt Nam hiện nay, đặc biệt là tính chất thị trường của nền giáo dục và đào tạo trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.


Quang cảnh Hội thảo

Thay mặt Ban chủ nhiệm chương trình, GS,TS Mạch Quang Thắng tổng kết một số vấn đề chính được các đại biểu trao đổi, luận giải tại hội thảo và khẳng định: Từ quá trình nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục và đào tạo, Đề tài đã góp phần xây dựng những kiến nghị nhằm cung cấp luận cứ khoa học cho việc xây dựng dự thảo các văn kiện trình Đại hội lần thứ XIV của Đảng; cũng như kiến nghị các cơ quan có trách nhiệm những nội dung quan trọng nhằm tiếp tục vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục và đào tạo từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Ban Chủ nhiệm Đề tài KX.02.28/21-25; ảnh: Đức Mạnh