Toạ đàm khoa học “Nâng cao năng lực làm việc trong môi trường quốc tế của cán bộ, giảng viên các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”

09:25 05/04/2025

Sáng ngày 4/4/2025, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức toạ đàm khoa học “Nâng cao năng lực làm việc trong môi trường quốc tế của cán bộ, giảng viên các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”. PGS,TS Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh dự và chủ trì Toạ đàm.

Cùng chủ trì có TS Đào Ngọc Báu, Viện trưởng Viện Chính trị và Quan hệ quốc tế; TS Ngô Ngân Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ.

Toạ đàm được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với các điểm cầu tại Trường Chính trị tỉnh Yên Bái, Bắc Giang và Bà Rịa – Vũng Tàu.

Quang cảnh hội thảo

Dự Toạ đàm có đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Học viện; đại diện lãnh đạo các Trường Chính trị tỉnh Yên Bái, Bắc Giang và Bà Rịa – Vũng Tàu; cán bộ, giảng viên Viện Chính trị và Quan hệ quốc tế, Đề án 587, các Trường Chính trị tỉnh Yên Bái, Bắc Giang và Bà Rịa – Vũng Tàu.

Phát biểu khai mạc và đề dẫn Toạ đàm, PGS,TS Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho biết toạ đàm khoa học “Nâng cao năng lực làm việc trong môi trường quốc tế của cán bộ, giảng viên các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương” là một hoạt động nằm trong khuôn khổ đề tài khoa học cấp Bộ trọng điểm: “Nâng cao năng lực làm việc trong môi trường quốc tế của cán bộ, giảng viên các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương” do Viện Chính trị và Quan hệ quốc tế và Trường chính trị tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chủ trì.

PGS,TS Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu đề dẫn tọa đàm

Đồng chí Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định trong thời gian qua, sáng kiến triển khai nhiệm vụ nghiên cứu khoa học theo mô hình viện – trường, kết hợp giữa các viện nghiên cứu chuyên ngành của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã đạt được nhiều kết quả tích cực và được đánh giá cao. Vì vậy, PGS,TS Hoàng Phúc Lâm tin tưởng toạ đàm khoa học “Nâng cao năng lực làm việc trong môi trường quốc tế của cán bộ, giảng viên các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương” là một hoạt động ý nghĩa nhằm làm rõ các yêu cầu và nội dung cơ bản của việc nâng cao năng lực làm việc trong môi trường quốc tế đối với giảng viên các trường chính trị trực thuộc Trung ương.

Với ý nghĩa đó, PGS,TS Hoàng Phúc Lâm đề nghị các đại biểu tham dự Toạ đàm tập trung nhận diện các yêu cầu và tiêu chí của năng lực làm việc trong môi trường quốc tế đối với giảng viên các trường chính trị; đánh giá thực trạng năng lực của đội ngũ giảng viên hiện nay, chỉ ra những thuận lợi, khó khăn và rào cản trong quá trình nâng cao năng lực làm việc quốc tế; từ đó, đề xuất các giải pháp, bao gồm đào tạo, bồi dưỡng, đổi mới phương pháp giảng dạy và phát triển kỹ năng hội nhập quốc tế.

Đại biểu tham luận tại tọa đàm

Đại biểu tham luận tại tọa đàm

Tại Toạ đàm, các đại biểu tham dự khẳng định xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng đã và đang tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có giáo dục và đào tạo. Trong bối cảnh Việt Nam là thành viên tích cực của nhiều tổ chức quốc tế, việc nâng cao năng lực làm việc trong môi trường quốc tế trở thành yêu cầu tất yếu đối với đội ngũ cán bộ, giảng viên, trong đó có đội ngũ cán bộ, giảng viên các trường chính trị. Đây không chỉ là yêu cầu khách quan từ quá trình hội nhập, mà còn là điều kiện cần thiết để nâng cao chất lượng giảng dạy, nghiên cứu khoa học, góp phần đào tạo đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, có tư duy đổi mới và khả năng thích ứng với sự phát triển của thế giới.

Toạ đàm nhấn mạnh, nâng cao năng lực làm việc trong môi trường quốc tế đối với giảng viên các trường chính trị đòi hỏi giảng viên cần có kiến thức nền tảng vững chắc về quan hệ quốc tế, chính trị, kinh tế, văn hóa thế giới để có thể lồng ghép vào nội dung giảng dạy; có tư duy phản biện và sáng tạo để có thể thích ứng nhanh với sự thay đổi của môi trường giáo dục quốc tế, sử dụng thành thạo công nghệ số trong giảng dạy, nghiên cứu và hợp tác khoa học; rèn luyện phong cách làm việc chuyên nghiệp, hiệu quả theo chuẩn mực quốc tế. Đồng thời, ngoại ngữ là công cụ quan trọng giúp giảng viên tiếp cận tri thức mới, nghiên cứu tài liệu quốc tế và tham gia các diễn đàn học thuật toàn cầu.

Điềm cầu các Trường Chính trị tỉnh Yên Bái, Bắc Giang và Bà Rịa – Vũng Tàu tham luận tại tọa đàm

Để đáp ứng các yêu cầu trên, các đại biểu cho rằng cần triển khai đồng bộ nhiều nội dung quan trọng. Trước hết, cần tăng cường đào tạo và bồi dưỡng giảng viên thông qua việc mở rộng các chương trình đào tạo về quan hệ quốc tế, chính sách đối ngoại, luật pháp quốc tế; tổ chức các khóa học nâng cao trình độ ngoại ngữ, tập trung vào các ngôn ngữ thông dụng như tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Pháp; đào tạo kỹ năng ứng dụng công nghệ số, khai thác tài liệu khoa học quốc tế và sử dụng các nền tảng học thuật toàn cầu. Đổi mới phương pháp giảng dạy, áp dụng các phương pháp hiện đại như học tập dựa trên vấn đề, thảo luận nhóm, mô phỏng tình huống quốc tế; sử dụng tài liệu giảng dạy có tính quốc tế, cập nhật các nghiên cứu mới nhất từ các trường đại học, tổ chức nghiên cứu trên thế giới; khuyến khích giảng viên tham gia các diễn đàn, hội thảo khoa học quốc tế để nâng cao năng lực nghiên cứu và trao đổi học thuật.

Một giải pháp quan trọng được đề xuất tại Toạ đàm là cần có sự đầu tư bài bản từ cơ chế chính sách, đào tạo, bồi dưỡng đến xây dựng môi trường học thuật mang tính quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi để giảng viên không ngừng nâng cao năng lực chuyên môn và hội nhập sâu rộng với thế giới; tạo điều kiện để giảng viên tham gia các chương trình trao đổi học thuật với các trường đại học, viện nghiên cứu nước ngoài; thiết lập các diễn đàn học thuật để giảng viên có thể giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi từ các chuyên gia quốc tế; phát triển các chương trình hợp tác nghiên cứu với các đối tác quốc tế, góp phần nâng cao chất lượng nghiên cứu và giảng dạy.

Đại biểu chụp ảnh chung tại tọa đàm

 

MH; MT