Tọa đàm chia sẻ báo cáo “Phát triển thế giới 2024: Bẫy thu nhập trung bình”

15:33 08/04/2025

Sáng ngày 8/4/2025, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Campuchia và Lào tổ chức tọa đàm chia sẻ báo cáo “Phát triển thế giới 2024: Bẫy thu nhập trung bình”.

Các đồng chí chủ trì tọa đàm

PGS,TS Hoàng Văn Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế; PGS,TS Bùi Văn Huyền, Viện trưởng Viện Kinh tế - Xã hội và Môi trường và Bà Mariam J. Sherman, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Campuchia và Lào đồng chủ trì tọa đàm.

Tham dự tọa đàm có các chuyên gia, nhà khoa học đến từ Học viện, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Campuchia và Lào; các viện nghiên cứu, trường đại học trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Chia sẻ nội dung về Báo cáo “Phát triển thế giới 2024: Bẫy thu nhập trung bình”, ông Somik Lall, Cố vấn cấp cao của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết: trong suốt giai đoạn từ năm 1990 đến nay, chỉ có 34 nền kinh tế đã thành công trong thoát được bẫy thu nhập trung bình để trở thành quốc gia có mức thu nhập cao, có tới 108 quốc gia chưa thành công.

Trong báo cáo của mình, WB đã đưa ra công thức cho tất cả các nước qua 3 giai đoạn với chiến lược “3 chữ i”. Giai đoạn đầu tiên để các quốc gia đạt mức thu nhập trung bình cần phải thu hút được đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài. Giai đoạn thứ 2 cần “2 chữ i” đó là tiếp tục thu hút đầu tư và hấp thụ công nghệ. Giai đoạn thứ 3 với “3 chữ i”, sau khi qua được giai đoạn thu nhập trung bình cao cần bắt đầu phải tập trung vào nghiên cứu công nghệ mới dẫn dắt thế giới và đổi mới công nghệ.

Đại biểu dự tọa đàm

Đại biểu dự tọa đàm

Tại tọa đàm, các chuyên gia, nhà khoa học cùng nghe ông Sebastian Eckardt, Giám đốc Vụ Chính sách Kinh tế, Ngân hàng Thế giới chia sẻ về những vấn đề phát triển, cải cách đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu và Việt Nam. Trên cơ sở đó, hai bên cùng trao đổi, phân tích về Vấn đề các quốc gia thu nhập trung bình phải đối mặt như tăng trưởng chậm lại, trì trệ mang tính cơ cấu, các dư địa bị thu hẹp. 

Các đại biểu, nhà khoa học cũng dành nhiều thời gian trao đổi về thực trạng nội tại nền kinh tế Việt Nam sau 40 năm đổi mới; các bài học kinh nghiệm thành công và không thành công trong vượt bẫy thu nhập trung bình với 2 điển hình nghiên cứu được đưa ra là Hàn Quốc và Braxin. Các ý kiến cho rằng, Việt Nam đã đạt được những thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội, chuyển đổi từ một quốc gia nghèo thành quốc gia có thu nhập trung bình và trở thành một trong những nền kinh tế mở cửa nhất thế giới, tuy nhiên, Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều thách thức.

Để tăng trưởng nhanh, vượt qua bẫy thu nhập trung bình, các khuyến nghị, đề xuất cho Việt Nam được trao đổi tại tọa đàm tập trung vào 3 vấn đề chính: chuyển đổi về tư duy, chính sách và dữ liệu, v.v..

Quang cảnh tọa đàm

BBT