Ngày 28/3/2025, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành Kết luận số 137-KL/TW về Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp (Kết luận số 137). Ban Thanh tra giới thiệu một số nội dung cơ bản của Kết luận số 137 như sau:
1. Về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh
Thực hiện đúng chủ trương theo Kết luận số 130-KL/TW, ngày 14/3/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sắp xếp (còn 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh gồm 28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương), tên gọi và trung tâm hành chính - chính trị của đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sắp xếp.
2.Kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện hiện nay kể từ ngày 01/7/2025 sau khi Hiến pháp năm 2013 (sửa đổi) và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 (sửa đổi) có hiệu lực thi hành.
3. Về sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã
Về nguyên tắc và tiêu chuẩn sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã
- Thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã bảo đảm cả nước giảm khoảng 50% số lượng đơn vị hành chính cấp xã hiện nay.
- Không thực hiện sắp xếp đối với đơn vị hành chính có vị trí biệt lập hoặc có vị trí đặc biệt quan trọng liên quan đến quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền quốc gia.
- Trường hợp sắp xếp phường với các đơn vị hành chính cùng cấp (xã, phường, thị trấn) thì đơn vị hành chính sau sắp xếp là phường; trường hợp sắp xếp các xã, thị trấn thì đơn vị hành chính sau sắp xếp là xã.
- Khi sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã cần chú trọng các yếu tố đặc thù như lịch sử, truyền thống, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán; vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên; quy mô, trình độ phát triển kinh tế…
- Thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã không giới hạn trong phạm vi địa giới hành chính của cấp huyện, cấp xã hiện nay.
Việc đặt tên của đơn vị hành chính cấp cơ sở sau sắp xếp cần dễ nhận diện, ngắn gọn, khoa học.
4. Về điều kiện, hồ sơ, trình tự thủ tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính
- Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã không xem xét điều kiện về bảo đảm sự phù hợp với quy hoạch.
- Đơn giản hóa quy trình thủ tục, bảo đảm việc thực hiện được tiến hành chặt chẽ, khoa học, đề cao vai trò tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương.
5. Về tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp
Về tổ chức chính quyền địa phương cấp tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương)
- Chính quyền địa phương cấp tỉnh gồm có hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân. Hội đồng nhân dân cấp tỉnh tổ chức 3-4 ban chuyên môn giúp việc. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức 14 sở và tương đương (riêng thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh tổ chức 15 sở và tương đương).
- Số lượng cán bộ, công chức, viên chức của cấp tỉnh sau sắp xếp tối đa không vượt quá tổng số cán bộ, công chức, viên chức (số có mặt) của cấp tỉnh trước sắp xếp và thực hiện tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm trong thời hạn 5 năm cơ bản bố trí theo đúng quy định. Sau khi chính quyền địa phương cấp tỉnh đi vào hoạt động, giao Đảng ủy Chính phủ phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương, các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương và các cơ quan liên quan xây dựng vị trí việc làm trình cấp có thẩm quyền giao biên chế công chức, viên chức cho địa phương.
Về tổ chức chính quyền địa phương cấp xã
- Về cơ cấu tổ chức: Chính quyền địa phương cấp xã có hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân. Hội đồng nhân dân cấp xã tổ chức 2 ban chuyên môn giúp việc; ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức 4 phòng chuyên môn và tương đương.
- Về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn: Chính quyền địa phương cấp xã thực hiện các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Chính phủ; đẩy mạnh phân cấp cho chính quyền địa phương cấp xã theo năng lực và yêu cầu quản lý.
- Về biên chế:
+ Chuyển biên chế cấp huyện hiện có để bố trí biên chế cấp xã, có thể tăng cường cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh về cấp xã.
+ Trước mắt giữ nguyên số lượng biên chế cán bộ, công chức, viên chức của cấp huyện, cán bộ, công chức của cấp xã hiện có trước sắp xếp và thực hiện việc rà soát, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp cơ sở đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, bảo đảm trong thời hạn 5 năm cơ bản theo đúng quy định. Sau khi chính quyền địa phương đi vào hoạt động, giao Đảng ủy Chính phủ phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương, các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương và các cơ quan liên quan xây dựng vị trí việc làm trình cấp có thẩm quyền giao biên chế công chức, viên chức cho địa phương.
+ Kết thúc việc sử dụng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; giao chính quyền địa phương xem xét, có thể sắp xếp người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tham gia công tác tại thôn, tổ dân phố và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ không bố trí công tác theo quy định.
- Tiếp tục xác định thôn, tổ dân phố là tổ chức tự quản của cộng đồng dân cư, không phải là cấp hành chính; trước mắt giữ nguyên thôn, tổ dân phố hiện có; sau đó giao Đảng ủy Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu và xác định lộ trình sắp xếp, tổ chức lại thôn, tổ dân phố theo hướng tinh gọn, phục vụ trực tiếp đời sống của cộng đồng dân cư trên địa bàn cơ sở.
- Về tổ chức đơn vị sự nghiệp công lập:
+ Giữ nguyên các đơn vị sự nghiệp giáo dục, y tế và thực hiện chuyển giao cho chính quyền cấp xã quản lý các trường trung học cơ sở, tiểu học, mầm non, trạm y tế của đơn vị cơ sở mới.
+ Đối với các đơn vị sự nghiệp khác, giao Đảng ủy Chính phủ chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện tinh gọn đầu mối, bảo đảm cung ứng nhiều dịch vụ công cơ bản, thiết yếu trên địa bàn đơn vị hành chính cấp xã, liên xã.
.
Ban Thanh tra tổng hợp