Trong không khí của những ngày tháng 4 lịch sử, thiết thực kỷ niệm 35 năm thành lập Vụ Các trường chính trị, chiều ngày 15/4/2025, tại Hà Nội, Vụ Các trường chính trị thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức toạ đàm khoa học “Phát huy vai trò của Vụ Các trường chính trị trong tham mưu quản lý, hướng dẫn chuyên môn và triển khai Quy định số 11-QĐ/TW của Ban Bí thư về trường chính trị chuẩn”. PGS,TS Hoàng Phúc Lâm, Phó Bí thư Đảng uỷ Học viện, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh dự và chủ trì Toạ đàm.
PGS,TS Hoàng Phúc Lâm dự và chủ trì Toạ đàm
Cùng chủ trì có TS Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Vụ trưởng Vụ Các trường chính trị. Dự Toạ đàm có đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Vụ Các trường chính trị qua các thời kỳ; lãnh đạo các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đại diện các học viện, trường thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an;và toàn thể cán bộ, công chức, viên chức Vụ Các trường chính trị.
Báo cáo đề dẫn Toạ đàm, TS Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Vụ trưởng Vụ Các trường chính trị, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho biết Toạ đàm khoa học “Phát huy vai trò của Vụ Các trường chính trị trong tham mưu quản lý, hướng dẫn chuyên môn và triển khai Quy định số 11-QĐ/TW của Ban Bí thư về trường chính trị chuẩn” được tổ chức nhằm góp phần tổng kết công tác quản lý, hướng dẫn chuyên môn của Vụ Các trường chính trị đối với các trường chính trị cấp tỉnh, trường bộ, ngành và triển khai thực hiện Quy định số 11 của Ban Bí thư về trường chính trị chuẩn; khẳng định những kết quả đạt được, rút ra những bài học kinh nghiệm; giáo dục truyền thống đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, kỷ luật, kỷ cương của các thế hệ cán bộ Vụ Các trường chính trị; cung cấp luận cứ khoa học, làm cơ sở để Vụ tiếp tục đổi mới, phát huy vai trò tham mưu, góp phần đề xuất với Đảng và Nhà nước những chủ trương, chính sách phù hợp, hiệu quả về công tác trường chính trị trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.
TS Nguyễn Thị Thanh Nhàn báo cáo đề dẫn Toạ đàm
Đồng chí Vụ trưởng Vụ Các trường chính trị khẳng định, để đổi mới công tác trường chính trị, nhằm khẳng định vai trò của Học viện trong quản lý, hướng dẫn chuyên môn và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên của trường chính trị trong bối cảnh mới theo Chiến lược phát triển Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Tọa đàm hướng tới việc đề xuất các giải pháp cụ thể nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tham mưu của Vụ Các trường chính trị trên các mặt công tác. Qua đó, góp phần vào thành tựu chung của Học viện trong sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
Với ý nghĩa đó, các đại biểu tham dự Toạ đàm đã tập trung thảo luận, phân tích những kết quả đạt được, hạn chế của Vụ Các trường chính trị trong công tác tham mưu, xây dựng, hướng dẫn và quản lý hoạt động chuyên môn của các trường chính trị và triển khai thực hiện Quy định của Ban Bí thư về trường chính trị chuẩn trong thời gian vừa qua; luận giải, làm sáng tỏ những vấn đề mới đặt ra đối với Vụ Các trường chính trị trong công tác tham mưu, quản lý hệ thống trường chính trị, nhằm giúp Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tham mưu, tư vấn cho Đảng và Nhà nước ban hành các quyết sách quan trọng đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, hướng tới mục tiêu xây dựng hệ thống trường Đảng mang bản sắc riêng, hiện đại, hội nhập và tiên phong, trở thành những “địa chỉ đỏ” trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.
Quang cảnh Toạ đàm
Toạ đàm cũng đã tổng kết, khái quát những bài học kinh nghiệm trong công tác phối hợp giữa Vụ Các trường chính trị với các đơn vị trong và ngoài Học viện, đặc biệt là trong việc triển khai thực hiện Quy định số 11 của Ban Bí thư về trường chính trị chuẩn. Qua đó, tạo động lực để hệ thống trường chính trị cả nước nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, xây dựng đội ngũ giảng viên có phẩm chất, năng lực và uy tín.
Phát biểu tổng kết Toạ đàm, PGS,TS Hoàng Phúc Lâm, Phó Bí thư Đảng uỷ Học viện, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, trong bối cảnh đất nước đang có những chuyển đổi mạnh mẽ về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, song song với đó la quá trình thực hiện việc tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, sắp xếp lại hệ thống đơn vị hành chính cấp tỉnh, xã đã đặt ra yêu cầu mới đối với cấu trúc hệ thống trường chính trị, đồng thời đòi hỏi công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cần có sự điều chỉnh phù hợp, đảm bảo cơ cấu tổ chức mới tinh gọn nhưng hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Các đại biểu tham dự tọa đàm
Các đại biểu tham dự tọa đàm
Đồng chí Phó Bí thư Đảng uỷ Học viện, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định bối cảnh mới đòi hỏi Vụ Các trường chính trị cần tiếp tục phát huy và nâng cao hơn nữa chất lượng công tác tham mưu, tập trung vào các nội dung tham mưu về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của các trường chính trị cấp tỉnh; tham mưu sửa đổi Quy định số 11-QĐ/TW của Ban Bí thư với lộ trình và kế hoạch đồng bộ, sát thực tiễn, phù hợp với điều kiện từng địa phương; góp ý xây dựng, hoàn thiện các quy chế, quy định về đối tượng, tiêu chuẩn, phân cấp đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị quy chế quản lý đào tạo, bồi dưỡng…
Ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến tham luận và đóng góp tại Toạ đàm, PGS,TS Hoàng Phúc Lâm yêu cầu Vụ Các trường chính trị tiếp thu, tổng hợp đầy đủ các ý kiến tham luận và trao đổi tại Tọa đàm để xây dựng kế hoạch công tác với lộ trình phù hợp cho những năm tiếp theo nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tham mưu quản lý, hướng dẫn chuyên môn và triển khai Quy định của Ban Bí thư về trường chính trị chuẩn, hướng tới thực hiện đầy đủ các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã được xác định trong Chiến lược phát triển Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2025 do Bộ Chính trị phê duyệt đối với công tác trường chính trị; đề nghị các trường chính trị cấp tỉnh, trường, học viện của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tham gia đào tạo Trung cấp lý luận chính trị cần thực hiện các nội dung chuyên môn theo phân cấp, phân quyền trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, theo chỉ đạo, hướng dẫn, định hướng của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, kịp thời thông tin, báo cáo với Học viện qua đơn vị tham mưu trực tiếp là Vụ Các trường chính trị; tăng cường kết nối hệ thống, tham gia góp ý tích cực, có trách nhiệm các dự thảo quy chế, quy định, chương trình, giáo trình do Học viện xây dựng./.
MH & TM