Hội thảo khoa học “Xây dựng nền hành chính công hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả: Kinh nghiệm của Việt Nam, Lào và Australia”

13:20 28/04/2025

Ngày 28-4-2025, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị và Hành chính quốc gia Lào, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam và Tỉnh uỷ Thanh Hoá phối hợp tổ chức hội thảo khoa học “Xây dựng nền hành chính công hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả: Kinh nghiệm của Việt Nam, Lào và Australia”.

hình ảnh

Các đồng chí chủ trì hội thảo

Chủ trì hội thảo có các đồng chí: Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Phouvong Ounkhamsane, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Giám đốc Học viện Chính trị và Hành chính quốc gia Lào; Nguyễn Doãn Anh, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Bí thư Tỉnh uỷ Thanh Hoá và bà Renee Deschamps, Phó Đại sứ Australia tại Việt Nam; GS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Hội thảo “Xây dựng nền hành chính công hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả: Kinh nghiệm của Việt Nam, Lào và Australia” là sáng kiến hợp tác thiết thực, nhiều ý nghĩa giữa Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị và Hành chính quốc gia Lào, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam và Tỉnh uỷ Thanh Hoá; là dịp để các chuyên gia, nhà lãnh đạo, quản lý của Việt Nam, Lào và Australia chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn, giới thiệu những mô hình thành công về cải cách hành chính - lĩnh vực đang nhận được sự quan tâm sâu sắc ở cả ba nước. Đây còn là minh chứng sinh động cho sự hợp tác giữa ba nước đang được nỗ lực nâng lên tầm cao mới với những cơ chế chia sẻ tri thức sáng tạo, hiệu quả vì mục tiêu phát triển bền vững.

Đại biểu dự hội thảo

Dự hội thảo có hơn 200 đại biểu đến từ Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Ban Chính sách, chiến lược Trung ương, Bộ Nội vụ, Bộ Khoa học và Công nghệ, đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; các đồng chí đại diện Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa; Đại sứ quán Australia tại Việt Nam; các đại biểu của Học viện Chính trị và Hành chính quốc gia Lào; các chuyên gia, nhà khoa học Việt Nam và quốc tế; Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đại diện doanh nghiệp; các nhà khoa học có bài viết. 

Phát biểu khai mạc và đề dẫn hội thảo, GS,TS Nguyễn Xuân Thắng nêu rõ: Cải cách hành chính luôn là một nội dung rất quan trọng, gắn kết chặt chẽ với xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong tiến trình Đổi mới ở Việt Nam. Gần 40 năm qua, với sự nỗ lực và quyết tâm cao, công cuộc cải cách hành chính của Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, quản trị quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững. 

Những kết quả này được thể hiện rõ qua ba quá trình chuyển đổi quan trọng, được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Đó là:  (i)- Chuyển đổi từ nền hành chính gắn với cơ chế kế hoạch hoá, tập trung sang nền hành chính phù hợp với cơ chế thị trường. Đây là sự đổi mới tư duy có ý nghĩa chiến lược, mở đường cho những nỗ lực cải cách thể chế mạnh mẽ; là bệ phóng để Việt Nam hướng tới xây dựng một nền hành chính công với những thể chế, cơ chế, chính sách thực sự đột phá và vượt trội, không chỉ đóng vai trò là khung khổ quản lý, điều hành, mà còn là động lực dẫn dắt sự đổi mới đồng bộ cả về chính trị, kinh tế và xã hội; giải phóng mọi nguồn lực trong xã hội, khuyến khích sáng tạo, mang lại những động lực phát triển mới. (ii)- Chuyển đổi từ nền hành chính điều hành sang nền hành chính kiến tạo phát triển, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Và (iii)- Chuyển đổi sang nền hành chính số - hiện đại, minh bạch, lấy người dân làm trung tâm. 

GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu khai mạc và đề dẫn hội thảo.

Theo GS,TS Nguyễn Xuân Thắng, trong bối cảnh thế giới đang trải qua những thay đổi mang tính thời đại với nhiều cơ hội và nhiều thách thức chưa từng có, ba quá trình chuyển đổi nói trên là chiến lược giúp nền hành chính công của Việt Nam tránh nguy cơ rơi vào tình trạng “tụt hậu kép” – đó là: tụt hậu về thể chế, về công nghệ và về quản trị; từng bước xây dựng một nền hành chính hiện đại, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả làm bệ phóng cho việc triển khai thành công những quyết sách mang tính lịch sử, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới, sánh vai với các cường quốc năm châu.

Chia sẻ về bộ ba nhất thể đột phá mà Việt Nam đang quyết liệt tiến hành, đó là: đột phá về sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; đột phá về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia và đột phá về phát triển khu vực kinh tế tư nhân, coi đây là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế, GS,TS Nguyễn Xuân Thắng cho biết, trong quá trình đó, tăng cường hợp tác quốc tế là chìa khoá quan trọng để nâng cao chất lượng cải cách hành chính công.

Đồng chí Phu-vông Ùn-khăm-sẻn, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Giám đốc Học viện Chính trị và Hành chính quốc gia Lào phát biểu tại hội thảo

Bà Renee Deschamps, Phó Đại sứ Australia tại Việt Nam phát biểu tại hội thảo

Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng khẳng định: Trong những năm qua, Lào đã đồng hành cùng Việt Nam trong quá trình đổi mới bộ máy hành chính, với trọng tâm là tinh gọn tổ chức, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ và đẩy mạnh chuyển đổi số, đặc biệt ở khu vực nông thôn nhằm thu hẹp khoảng cách số và tăng cường hiệu quả phục vụ người dân. Trong khi đó, Australia có đặc trưng nổi bật là mô hình quản trị linh hoạt giữa chính phủ liên bang và các bang, trong đó chính quyền địa phương đóng vai trò trung tâm trong cung cấp dịch vụ công. Chính phủ Australia cũng rất chú trọng ứng dụng công nghệ, trao quyền tự chủ về ngân sách, nhân sự cho các cấp và xây dựng một nền văn hóa công vụ hiện đại, minh bạch, liêm chính, hướng đến phục vụ người dân như khách hàng.

Tại hội thảo, GS,TS Nguyễn Xuân Thắng đề nghị các nhà khoa học, nhà quản lý và chuyên gia Việt Nam, Lào và Australia cùng trao đổi, thảo luận sâu về những cơ hội và thách thức mới đặt ra cho nền hành chính công trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ, yêu cầu phát triển bao trùm và quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; chia sẻ những kinh nghiệm hay, mô hình mới trong quá trình xây dựng nền hành chính hiện đại, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, từ đó giúp Việt Nam tham khảo những kinh nghiệm quý trong tiến trình hiện đại hóa nền hành chính quốc gia.

Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Doãn Anh phát biểu chào mừng hội thảo.

Phát biểu chào mừng hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thanh Hóa thông tin về tình hình phát triển kinh tế - xã hội địa phương và công tác cải cách hành chính (CCHC) của địa phương.  Đồng chí cho biết: thực hiện Chương trình tổng thể CCHC Nhà nước giai đoạn 2021 - 2030, đến nay, 100% hồ sơ thủ tục hành chính đủ điều kiện được Thanh Hóa giải quyết trực tuyến một phần và toàn trình, được số hóa kết quả theo quy định; tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính giải quyết đúng hạn đạt trên 98%; mức độ hài lòng của tổ chức, người dân, doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh đạt trên 95%. Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh hiện đang cung cấp 1.042 dịch vụ công trực tuyến toàn trình và 740 dịch vụ công trực tuyến một phần, tất cả được tích hợp, đồng bộ dữ liệu đầy đủ, chính xác với Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Các chỉ số đánh giá chất lượng hành chính, quản trị công của tỉnh, như: Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), Chỉ số hài lòng (SIPAS), Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) và Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) luôn nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước.

Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Doãn Anh khẳng định: CCHC, xây dựng nền hành chính công hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ Nhân dân là mục tiêu hướng đến của mọi quốc gia; tin tưởng, với sự quan tâm của Trung ương, sự đồng hành của bạn bè quốc tế và nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, Thanh Hóa sẽ tiếp tục gặt hái thêm nhiều thành tựu mới trong CCHC, góp phần phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.

Các chuyên gia tham gia Phiên thảo luận bàn tròn tại hội thảo

Với nhiều tham luận, ý kiến phát biểu trực tiếp và phiên tọa đàm bàn tròn, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, đại diện doanh nghiệp của Việt Nam, Lào và Australia đã cùng trao đổi, thảo luận sâu về những chủ đề cốt lõi xung quanh việc xây dựng nền hành chính công hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả của Việt Nam, Lào và Australia. 

Các tham luận cũng làm rõ cơ hội và thách thức mới đặt ra cho nền hành chính công trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ, yêu cầu phát triển bao trùm và quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; đặc biệt chia sẻ những kinh nghiệm hay, mô hình mới và đóng góp ý tưởng, nhằm thúc đẩy quá trình xây dựng một nền hành chính hiện đại, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả và hướng tới phát triển bền vững, phù hợp với điều kiện phát triển của mỗi nước. 

Những kết quả và nội dung trao đổi tại Hội thảo là nguồn tham khảo quan trọng để Việt Nam hoàn thiện chiến lược cải cách hành chính trong thời gian tới, phục vụ việc xây dựng các văn kiện trình Đại hội lần thứ XIV của Đảng Cộng sản Việt Nam và hoạch định chiến lược phát triển đất nước đến năm 2045.

Tin: BBT; ảnh: Đức Mạnh