Hội thảo quốc tế “Văn học, nghệ thuật của người Việt Nam ở nước ngoài sau 50 năm đất nước thống nhất, đổi mới, phát triển (1975-2025)”

21:20 28/04/2025

Chiều ngày 28/4/2025, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề “Văn học, nghệ thuật của người Việt Nam ở nước ngoài sau 50 năm đất nước thống nhất, đổi mới, phát triển (1975–2025)”. GS,TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương dự và chỉ đạo Hội thảo.

Quang cảnh Hội thảo

Cùng chủ trì Hội thảo có TS Phạm Tất Thắng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương; PGS,TS, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương.

Tham dự hội thảo có các Ủy viên Trung ương Đảng: Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Hoàng Trung Dũng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo Hội đồng Lý luận Trung ương; lãnh đạo Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và hơn 150 nhà khoa học, văn nghệ sĩ là người Việt Nam đang sống, làm việc ở trong nước, nước ngoài và các học giả quốc tế.

GS,TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu chỉ đạo Hội thảo

Khẳng định vai trò không thể tách rời của văn học, nghệ thuật Việt Nam ở nước ngoài đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước

Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, GS,TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh, hội thảo là hoạt động có nhiều ý nghĩa, góp phần khẳng định vai trò, đóng góp của văn học, nghệ thuật (VHNT) của kiều bào ta ở nước ngoài trong công cuộc đổi mới; lan tỏa và truyền cảm hứng sáng tác về một Việt Nam hòa bình, hội nhập và phát triển trong kỷ nguyên mới.

GS,TS Nguyễn Xuân Thắng khẳng định, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước là hòa giải, hòa hợp dân tộc, thống nhất đất nước, về đại đoàn kết toàn dân tộc; coi người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của cộng đồng các dân tộc Việt Nam; coi VHNT của người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của nền VHNT nước nhà. Điều đó được thể hiện qua nhiều chủ trương, chính sách quan trọng trong tiến trình đổi mới và trong các Văn kiện Đại hội Đảng qua nhiều nhiệm kỳ, như: Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 29/11/1993 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 26/3/2004 của Bộ Chính trị.... Tinh thần đó tiếp tục được quán triệt sâu sắc trong Văn kiện Đại hội XII của Đảng, với quan điểm: “Lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh làm điểm tương đồng; tôn trọng những điểm khác biệt không trái với lợi ích chung của quốc gia - dân tộc; đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống yêu nước, nhân nghĩa, khoan dung để tập hợp, đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước”.

Nhìn lại nửa thế kỷ qua, GS,TS Nguyễn Xuân Thắng nhận định, hoạt động VHNT của kiều bào ta ở nước ngoài có nhiều chuyển động, nhưng đều mang khát vọng hòa bình, hòa giải và hòa hợp; tự hào về quê hương, đất nước Việt Nam; khát khao kết nối với quê hương, chủ động tìm kiếm bản sắc dân tộc như một phần nền tảng để định vị giá trị, chỗ đứng của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Họ đã có những đóng góp không nhỏ cho nền văn nghệ nước nhà thống nhất trong đa dạng.

GS,TS Nguyễn Xuân Thắng tin tưởng, qua Hội thảo này, văn học, nghệ thuật của đất nước, trong đó có văn học, nghệ thuật của người Việt Nam ở nước ngoài, sẽ có bước phát triển mạnh mẽ, vững chắc hơn trên tinh thần dân tộc, khoa học, dân chủ, nhân văn. Đổi mới mạnh mẽ chủ đề, nội dung, phương pháp sáng tác; hoạt động lý luận, phê bình, dịch thuật; phát huy ưu điểm, kết quả, khắc phục hạn chế, bất cập, góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh, văn minh, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

PGS,TS, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu đề dẫn Hội thảo

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS,TS, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương chỉ rõ: Dẫu sống xa Tổ quốc, dẫu là thế hệ thứ hai, thứ ba, thứ tư, nhưng phần đông đồng bào Việt Nam ở xa Tổ quốc, trong đó có giới trí thức, văn nghệ sĩ đều mang trong mình dòng máu Việt, văn hóa Việt, hồn cốt Việt, luôn hướng về quê hương. Công chúng của họ cũng không bó hẹp trong cộng đồng người Việt mà mở rộng ra nhiều nơi trên thế giới.

Về cảm hứng, chủ đề, đề tài sáng tạo, theo PGS,TS, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, phần đông là chân thành, tha thiết, vẫn gắn bó sâu sắc với nguồn cội, với văn hóa Việt, ngôn ngữ Việt, quan tâm, mừng vui trước những đổi thay lớn lao, sâu sắc ở quê nhà; tự hào là người Việt Nam, dân tộc Việt Nam, nguồn cội Việt Nam. Hoạt động giao lưu, quảng bá, hợp tác giữa các hội, các đơn vị văn học, nghệ thuật ở trong nước với các tổ chức, cá nhân là văn nghệ sĩ người Việt Nam ở nước ngoài được tăng cường, mang lại kết quả rất đáng mừng. Không ít văn nghệ sĩ người Việt rất nổi tiếng ở nước ngoài, sau bao nhiêu năm xa quê, đã mong ước về lại quê hương như GS Trần Văn Khê, nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị và nhiều người khác…    

Bên cạnh những nỗ lực và kết quả rất đáng ghi nhận đã nêu, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ nhận định, quá trình hướng về, quay về với đất nước, với cội nguồn, những gắng gỏi để hoà giải, hoà hợp, khép lại quá khứ, hướng tới tương lai trong một bộ phận văn nghệ sĩ người Việt Nam ở nước ngoài với trong nước vẫn còn có một số rào cản, trở ngại; có khoảng cách về tâm lý, do mặc cảm; do những khác biệt về quan điểm đã có từ rất lâu; do bị một số luận điệu tuyên truyền có tính lừa dối, kích động. Một số người có quan điểm cực đoan, thậm chí, thù địch.

Đại biểu tham dự Hội thảo

Đại biểu tham dự Hội thảo

Hội thảo đã tiếp nhận 59 tham luận, trong đó nhiều tham luận được trình bày trực tiếp. Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận về thực trạng văn học, nghệ thuật của người Việt Nam ở nước ngoài với diễn trình phát triển văn học, nghệ thuật qua các giai đoạn lịch sử, nhất là từ năm 1975 đến nay; nhận diện đội ngũ các văn nghệ sỹ; đi sâu vào từng loại hình văn học, nghệ thuật; các khu vực sinh sống, hoạt động văn nghệ; chủ đề, nội dung, phương pháp sáng tác; hoạt động lý luận, phê bình, dịch thuật; chỉ ra ưu điểm, kết quả và hạn chế, bất cập, lý do của hạn chế, bất cập. Các tham luận cũng nêu những đề xuất, kiến nghị với lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam; với lãnh đạo của nước sở tại để khuyến khích, tạo điều kiện cho việc phát triển văn học, nghệ thuật của người Việt Nam ở nước ngoài; giải quyết một số khó khăn, vướng mắc để tạo ra bước phát triển tốt hơn trong những năm tới.

Tổng kết hội thảo, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Phạm Tất Thắng cho biết, những ý kiến, kiến nghị của các nhà khoa học, văn nghệ sĩ sẽ được tiếp thu, tư vấn cho Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan trong xây dựng và thực thi đường lối, chính sách phát triển VHNT; có thêm những quyết sách đúng đắn, kịp thời để phát triển nền văn hóa, văn nghệ nước nhà và của đồng bào ta sống xa Tổ quốc ngày càng phong phú, đặc sắc hơn.

Đại biểu tham luận tại Hội thảo

Đại biểu tham luận tại Hội thảo

BBT