Ngày 10-4-2025, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 43-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về phòng, chống tham nhũng lãng phí, tiêu cực thành pháp luật của Nhà nước (Chỉ thị).
Chỉ thị nêu rõ: Trong những năm qua, công tác thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực thành pháp luật của Nhà nước đã đạt được những kết quả quan trọng. Hệ thống pháp luật trong các lĩnh vực từng bước được hoàn thiện theo hướng đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, góp phần quan trọng xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đáp ứng ngày càng cao yêu cầu thực tiễn đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Tuy nhiên, một số chủ trương, đường lối của Đảng về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực chưa được thể chế hóa, cụ thể hóa kịp thời, đầy đủ. Công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt chủ trương, đường lối và nâng cao nhận thức về công tác thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực thành pháp luật của Nhà nước hiệu quả chưa cao. Chất lượng một số văn bản quy phạm pháp luật còn hạn chế, có nội dung còn bất cập, sơ hở, thiếu thống nhất, tính ổn định, khả thi chưa cao, phải sửa đổi, bổ sung nhiều lần trong thời gian ngắn, tiềm ẩn nguy cơ bị lợi dụng để tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết công tác thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng thành pháp luật của nhà nước chưa được tiến hành thường xuyên.
Để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực thành pháp luật của Nhà nước, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm:
Thứ nhất, tăng cường công tác phổ biến, quán triệt chủ trương đường lối của Đảng về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và tầm quan trọng của công tác thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng thành pháp luật của Nhà nước nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu về công tác này.
Thứ hai, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực thành pháp luật của Nhà nước, chú trọng 03 nhiệm vụ:
- Nhiệm vụ 1: Thường xuyên rà soát các chủ trương, đường lối, quy định của Đảng về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực đã được ban hành để lãnh đạo, chỉ đạo thể chế hóa, cụ thể hóa kịp thời thành pháp luật; theo dõi, đánh giá hiệu quả pháp luật về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực sau ban hành để bảo đảm đồng bộ, thống nhất với chủ trương, đường lối của Đảng, kịp thời phát hiện những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, mâu thuẫn, bất cập để sửa đổi, bổ sung.
- Nhiệm vụ 2: Xây dựng kế hoạch, chương trình, phân công rõ trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực thành pháp luật của Nhà nước.
Kịp thời sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản pháp luật để thể chế hóa, cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước; quản lý cán bộ, công chức, viên chức; kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; báo chí và truyền thông; quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công…
- Nhiệm vụ 3: Thực hiện nghiêm Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 09-11-2022 về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 17-11-2022 về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII; Quy định số 178-QĐ/TW, ngày 27-6-2024 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật; Kết luận số 119-KL/TW, ngày 20-01-2025 của Bộ Chính trị về định hướng đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025…
Thứ ba, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm trong công tác thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực thành pháp luật của Nhà nước. Kịp thời khen thưởng tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực thành pháp luật của Nhà nước. Xác định kết quả công tác thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực thành pháp luật của Nhà nước là một trong các tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức và cán bộ, đảng viên được giao trách nhiệm trong công tác này.
Thứ tư, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành văn bản của Đảng về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực bảo đảm đồng bộ, toàn diện thống nhất, có trọng tâm, trọng điểm, tính dự báo cao, bám sát thực tiễn rõ trách nhiệm, nguồn lực tổ chức thực hiện. Nghiên cứu, ban hành quy định hướng dẫn công tác thể chế hóa văn bản của Đảng thuộc danh mục bí mật nhà nước thành pháp luật. Thực hiện sơ kết, tổng kết đối với công tác thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực thành pháp luật của Nhà nước.
Thứ năm, Bộ Chính trị giao nhiệm vụ tổ chức thực hiện Chỉ thi cho Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng; Đảng ủy Quốc hội, Đảng ủy Chính phủ, Đảng ủy Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương, Đảng ủy các cơ quan Đảng Trung ương; Các tỉnh ủy, thành ủy.
Toàn văn Chỉ thị xem tại https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/
Ban Thanh tra biên soạn, tổng hợp