Trong khuôn khổ các hoạt động của Hội thi giảng viên dạy giỏi toàn quốc các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lần thứ IX - năm 2025, sáng ngày 19/05/2025, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Thành ủy Hải Phòng tổ chức Hội thảo khoa học cấp Bộ “Công tác đào tạo, bồi dưỡng tại các trường chính trị cấp tỉnh trong bối cảnh mới".
Chủ trì Hội thảo có các đồng chí: PGS,TS Hoàng Phúc Lâm, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện; GS,TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện; Đỗ Mạnh Hiến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hải Phòng; Nguyễn Kim Pha, Hiệu trưởng Trường Chính trị Tô Hiệu thành phố Hải Phòng.
Đoàn Chủ trì Hội thảo
Tham dự Hội thảo có PGS,TS Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các đồng chí đại diện lãnh đạo các trường chính trị trên toàn quốc.
Hội thảo nhằm tổng kết công tác đào tạo, bồi dưỡng tại các trường chính trị trong thời gian qua; đánh giá những kết quả đạt được, thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế; phân tích sâu sắc những yêu cầu mới đặt ra trong giai đoạn hiện nay trong bối cảnh đất nước ta đang thực hiện tổ chức việc sắp xếp chính quyền địa phương 2 cấp, đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; từ đó đề xuất các giải pháp thiết thực, khả thi nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ thật sự tiêu biểu về bản lĩnh chính trị, phẩm chất, đạo đức, năng lực nổi trội, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây cũng là hoạt động quan trọng trong khuôn khổ Hội thi giảng viên dạy giỏi toàn quốc các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, lần thứ IX - năm 2025.
GS,TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu đề dẫn Hội thảo
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, GS,TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, nhấn mạnh: đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là công việc “gốc của Đảng”, là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên, có ý nghĩa quyết định đến sự thành công của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
GS,TS Lê Văn Lợi khẳng định, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các trường chính trị cấp tỉnh vinh dự được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị. Trong đó, các trường chính trị cấp tỉnh giữ vị trí đặc biệt quan trọng, là “địa chỉ đỏ” tin cậy của cấp ủy, chính quyền địa phương trong trực tiếp thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.
Đặt trong bối cảnh đất nước đang bước vào kỷ nguyên phát triển mới với nhiều thời cơ và thách thức đan xen, yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ thật sự tiêu biểu ngày càng trở nên cấp thiết, đó phải là những cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, năng lực nổi trội, có tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Trước yêu cầu đó, theo GS,TS Lê Văn Lợi việc nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ – đặc biệt là cán bộ cơ sở – không chỉ là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài mà còn là đòi hỏi cấp bách trong giai đoạn hiện nay.
PGS,TS Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tham luận tại Hội thảo
Tại hội thảo, GS,TS Lê Văn Lợi đề nghị các đại biểu, nhà khoa học tập trung làm sâu sắc thêm một số nội dung trọng tâm. Trước hết, cần đánh giá nghiêm túc, toàn diện việc quán triệt và triển khai thực hiện các chủ trương, quy định của Đảng, Nhà nước về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Phân tích, đánh giá toàn diện, khách quan những thành tựu nổi bật đã đạt được trong công tác đào tạo, bồi dưỡng tại các trường chính trị cấp tỉnh, đồng thời thẳng thắn chỉ ra những nút thắt, điểm nghẽn còn tồn tại, làm cơ sở khoa học cho việc đề xuất phương hướng, giải pháp thiết thực, hiệu quả.
Trong bối cảnh đất nước đang đẩy mạnh tinh gọn bộ máy, hiện đại hóa nền hành chính và chuyển đổi mạnh mẽ sang mô hình chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, GS,TS Lê Văn Lợi đề nghị làm rõ những nhân tố tác động và yêu cầu mới đặt ra đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở các trường chính trị cấp tỉnh. Từ đó, cần đề xuất những giải pháp đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm và mang tính đột phá nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong bối cảnh mới.
Đại biểu tham luận tại Hội thảo
Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được 69 tham luận của các cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhà khoa học đến từ Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, một số cơ quan, ban, ngành Trung ương và tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương, các trường chính trị cấp tỉnh, trường của Bộ Quốc phòng, Bộ Công An. Các tham luận tập trung nhận diện việc thực hiện các quy định của Đảng, Nhà nước về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; thành tựu và những hạn chế trong công tác đào tạo, bồi dưỡng tại các trường chính trị cấp tỉnh, những yêu cầu đặt ra đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong kỷ nguyên mới.
Nhiều tham luận đã chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn của các địa phương, các trường trong công tác đào tạo, bồi dưỡng. Từ những kết quả nghiên cứu, qua đánh giá tình hình thực tiễn, các tham luận đã có nhiều đề xuất, kiến nghị giải pháp để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho hệ thống chính trị tại các trường chính trị cấp tỉnh đáp ứng yêu cầu đặt ra trong kỷ nguyên mới.
Quang cảnh Hội thảo
Khẳng định vai trò then chốt của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong tình hình mới
Phát biểu tổng kết Hội thảo, PGS,TS Hoàng Phúc Lâm, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ghi nhận và cảm ơn sự tham dự nhiệt tình, trí tuệ, cùng những ý kiến phát biểu tâm huyết, sâu sắc của các đồng chí lãnh đạo, các nhà khoa học, nhà quản lý, giảng viên các trường chính trị, các đơn vị thuộc Học viện và các cơ quan liên quan.
Đồng chí cho biết, Hội thảo đã khẳng định: công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là một khâu quan trọng trong công tác cán bộ – là “công việc gốc” của Đảng. Những kết quả đạt được thời gian qua đã góp phần tích cực vào nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập đặt ra yêu cầu đổi mới mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.
Hội thảo đã phân tích sâu sắc các thách thức lớn đặt ra cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong bối cảnh mới. Quá trình sắp xếp lại đơn vị hành chính, xây dựng chính quyền hai cấp – đang đặt ra yêu cầu cấp thiết phải kịp thời bổ sung, hoàn thiện các quy định liên quan như: Quy định số 09-QĐi/TW về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Quy định số 11-QĐ/TW về trường chính trị chuẩn…
Hội thảo thống nhất cao về định hướng: các trường chính trị cần chuyển mạnh từ tư duy quản lý hành chính đơn thuần sang tư duy quản trị chất lượng. Chất lượng đào tạo, hiệu quả phát triển nguồn nhân lực lãnh đạo, quản lý và sự trưởng thành của học viên phải trở thành thước đo trung tâm trong đánh giá hoạt động của các trường. Đồng thời, thúc đẩy chuyển đổi số trong đào tạo, bồi dưỡng là nhiệm vụ trọng tâm. Trên cơ sở đó, cần xây dựng nền tảng quản lý đào tạo điện tử, phát triển học liệu số, kho dữ liệu mở, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, phương thức học tập kết hợp (blended learning), qua đó nâng cao năng lực tiếp cận tri thức và khả năng tự học suốt đời cho đội ngũ cán bộ học viên.
Đối với đội ngũ giảng viên – lực lượng then chốt quyết định chất lượng đào tạo – Hội thảo nhấn mạnh yêu cầu chuẩn hóa toàn diện: từ trình độ chuyên môn, phẩm chất chính trị đến năng lực công nghệ và kỹ năng sư phạm hiện đại. Cần không ngừng đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy; chú trọng phát triển năng lực tư duy phản biện, kỹ năng thực hành lý luận, kỹ năng xử lý tình huống thực tiễn – đáp ứng yêu cầu đào tạo cán bộ trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng và chuyển đổi số toàn diện.
MT, HG