Chiều ngày 21/5/2025, tại Hà Nội, Viện Thông tin khoa học thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức chương trình thông tin khoa học về chủ đề “Điện hạt nhân, công nghệ bán dẫn và vi mạch điện tử: Cơ hội và thách thức”. GS,TS Vũ Đình Lãm, Giám đốc Học viện Khoa học và Công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
GS,TS Vũ Đình Lãm báo cáo tại chương trình
Dự Chương trình có TS Nguyễn Mạnh Hải, Viện trưởng Viện Thông tin khoa học; các đồng chí Phó Viện trưởng Viện Thông tin khoa học: PGS,TS Tống Đức Thảo và TS Nguyễn Tiến Hiệp; cán bộ, giảng viên các đơn vị, Học viện trực thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Chương trình thông tin khoa học về chủ đề “Điện hạt nhân, công nghệ bán dẫn và vi mạch điện tử: Cơ hội và thách thức” được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại điểm cầu các Học viện trực thuộc: Học viện Chính trị khu vực I, II, III, IV; Học viện Báo chí và Tuyên truyền; Học viện Hành chính và Quản trị công.
Điện hạt nhân – giải pháp tốt trong bối cảnh biến đổi khí hậu và khủng hoảng năng lượng
Báo cáo tại chương trình về chủ đề “Điện hạt nhân, công nghệ bán dẫn và vi mạch điện tử: Cơ hội và thách thức”, GS,TS Vũ Đình Lãm, Giám đốc Học viện Khoa học và Công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết điện hạt nhân đã có lịch sử phát triển gần 70 năm và trải qua nhiều thăng trầm với sự cố năm 1979 ở Mỹ, sự cố Chernobyl năm 1986 ở Nga, sự cố Fukushima năm 2011 ở Nhật Bản. Song trong bối cảnh biến đổi khí hậu, nhiệt độ trái đất ngày càng nóng lên, phát thải khí nhà kính ngày càng cao, điện hạt nhân càng trở nên quan trọng vì là nguồn điện không phát thải khí CO2 và có vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh năng lượng của các quốc gia.
Theo GS,TS Vũ Đình Lãm, so với các nguồn năng lượng khác, điện hạt nhân phát thải khí CO2 ít nhất. Cụ thể, điện hạt nhân chỉ phát thải 12g CO2/KWh, trong khi năng lượng mặt trời phát thải 48g CO2/KWh, khí gas phát thải 490g CO2/KWh, than phát thải 820g CO2/KWh. Mặt khác, nhiên liệu hạt nhân nhỏ gọn, dễ vận chuyển, có thể tích trữ lâu dài, đến hàng chục năm; lò nạp nhiên liệu có thể vận hành liện tục; giá thành ổn định và thấp so với suất đầu tư. Đây là những lý do quan trọng để ngày càng nhiều quốc gia lựa chọn điện hạt nhân là nguồn năng lượng tái tạo để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Các đại biểu tham dự chương trình
Chia sẻ khái quát về tình hình phát triển điện hạt nhân ở các nước trên thế giới hiện nay, GS,TS Vũ Đình Lãm trình bày một số nét lớn về sản lượng, chiến lược và kế hoạch phát triển điện hạt nhân của Trung Quốc, Hàn Quốc, Bangladesh, Thái Lan…; những nhược điểm của điện hạt nhân, vấn đề công nghệ và an toàn điện hạt nhân; từ đó đi sâu phân tích chương trình phát triển điện hạt nhân của Việt Nam những năm qua, đặc biệt là các giai đoạn 1996-2002, 2002-2009, 2010-2016, 2016-2024.
GS,TS Vũ Đình Lãm khẳng định điện hạt nhân là giải pháp tốt trong bối cảnh biến đổi khí hậu và khủng hoảng năng lượng, và sẽ tăng trưởng mạnh trong thời gian tới. Việt Nam đã có Chương trình phát triển điện hạt nhân nhiều thập niên trước và đã triển khai tích cực từ 1996 – 2016, đến nay các kết quả đã thực hiện vẫn còn giá trị, cần xây dựng kế hoạch phát triển điện hạt nhân lâu dài, bài bản, trong khi việc chuẩn bị để phát triển điện hạt nhân đòi hỏi thời gian dài nên cần sớm có định hướng, quyết định và giải pháp tốt, đặc biệt là về nguồn nhân lực.
Công nghệ bán dẫn và vi mạch điện tử - lĩnh vực định hình tương lai công nghệ và kinh tế thế giới
Về công nghệ bán dẫn và vi mạch điện tử, Giám đốc Học viện Khoa học và Công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết từ công nghệ bán dẫn đến vi mạch có 4 giai đoạn, gồm vật liệu bán dẫn, thiết kế, chế tạo (IC – chip) và kiểm tra, đóng gói. Trong đó, công dụng của chất bán dẫn là chế tạo các transistor trong chip điện tử, dùng để chế tạo linh kiện trong điện thoại, máy tính, xe, máy bay… Transistor hay bóng bán dẫn là một linh kiện bán dẫn chủ chốt trong điện tử, dùng để khuếch đại hoặc chuyển mạch tín hiệu điện; transistor cũng được kết hợp thành mạch tích hợp IC, có thể tích hợp tới một tỷ transistor trên một diện tích nhỏ.
Giải thích về IC, GS,TS Vũ Đình Lãm cho biết IC là viết tắt của integrated circuit hay có tên gọi khác là chip, vi mạch tích hợp hoặc chip điện tử, hoặc có thể nói IC là tập hợp của nhiều linh kiện bán dẫn và linh kiện thụ động. IC có vai trò quan trọng trong cuộc sống, hầu hết các thiết bị điện tử đều hoạt động được nhờ vào IC. Để có một con chip IC có các khâu chính sau, gồm: i) thiết kế vi mạch, ii) sản xuất wafer bán dẫn, iii) đóng gói và lắp ráp, iv) kiểm tra và đánh giá, v) công nghiệp phụ trợ. Quy trình này yêu cầu cơ sở vật chất chuyên sâu và nguồn nhân lực chất lượng cao.
Khái quát về bức tranh ngành bán dẫn trên thế giới hiện nay, những giá trị kinh tế và thách thức trong công nghiệp bán dẫn, GS,TS Vũ Đình Lãm cho rằng Việt Nam cần định vị rõ vai trò và cơ hội trong ngành bán dẫn, từ đó có chiến lược và chính sách đúng đắn để khai thác được những lợi thế từ đầu tư của các doanh nghiệp vào sản xuất bán dẫn ở Việt Nam, cơ hội cho các thế hệ trẻ trong học tập, nghiên cứu và khởi nghiệp trong ngành bán dẫn.
Chương trình được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến
Với vai trò cốt lõi và sự phổ biến của công nghệ bán dẫn và vi mạch điện tử, GS,TS Vũ Đình Lãm khẳng định chip bán dẫn có tầm quan trọng chiến lược to lớn, được ví như “dầu mỏ của thế kỷ XXI”, là nền tảng cho sự phát triển của các công nghệ tiên tiến như AI, IoT, 5G và 6G. Với ứng dụng ngày càng mở rộng và không thể thiếu, công nghệ bán dẫn và vi mạch điện tử tiếp tục là một lĩnh vực chiến lược quan trọng, định hình tương lai công nghệ và kinh tế thế giới.
Tại chương trình, các đại biểu tham dự đã cùng thảo luận, làm rõ bức tranh của ngành điện hạt nhân, bán dẫn và vi mạch điện tử ở Việt Nam hiện nay, những cơ hội, thách thức, thuận lợi và khó khăn; quan điểm, đường lối, chính sách phát triển của Đảng và Nhà nước; việc thực hiện và triển khai Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 theo Quyết định số 1018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 21/9/2024./.
MH & Đức Mạnh