Nhằm bảo đảm hệ thống hành chính không chỉ "tinh" và "gọn" mà còn "mạnh", đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã phải nâng cao trình độ để đáp ứng lượng công việc gia tăng sau khi sắp xếp bộ máy.
Lộ trình đào tạo cán bộ, công chức cấp xã
Theo Nghị định 171 về đào tạo, bồi dưỡng công chức, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh được giao chủ trì biên soạn chương trình "Quản lý nhà nước cấp phòng ở cấp xã" với thời lượng 4 tuần. Trường chính trị tỉnh/thành phố đứng ra tổ chức lớp và cấp chứng chỉ - điều kiện bắt buộc đối với chủ tịch, phó chủ tịch và trưởng bộ phận chuyên môn xã.
Chủ tịch, phó chủ tịch và trưởng bộ phận chuyên môn cấp xã phải hoàn thành khóa học này trong vòng 12 tháng kể từ ngày được bổ nhiệm. Đối với công chức chuyên môn, UBND tỉnh lập kế hoạch đào tạo giai đoạn 2025-2030, ưu tiên triển khai ngay trong năm 2025 theo yêu cầu vị trí việc làm (kỹ năng số, đạo đức công vụ, quốc phòng - an ninh…).
UBND tỉnh sẽ phê duyệt kế hoạch đào tạo và sử dụng nguồn tiết kiệm chi thường xuyên để chi trả. Danh sách học viên được công khai, quá trình học tập được giám sát chặt chẽ. Kết quả khóa học sẽ được tính vào tiêu chí xếp loại công chức hằng năm.
Lãnh đạo xã quá hạn 12 tháng chưa có chứng chỉ hoặc học viên bỏ học đều chịu chế tài: Bị xem xét miễn nhiệm hoặc phải bồi hoàn toàn bộ chi phí theo Điều 8 Nghị định 171.
Đối với công chức chuyên môn - tức những cán bộ không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý - Nghị định 171 quy định họ phải được bồi dưỡng theo vị trí việc làm do sở Nội vụ tham mưu, trên cơ sở khung chương trình Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh ban hành.
Thông tư 01/2025/TT-BNV yêu cầu những lớp bồi dưỡng này được ưu tiên mở ngay trong năm 2025 để bảo đảm đội ngũ chuyên viên nắm bắt quy trình, công nghệ và khối lượng công việc tăng thêm sau sáp nhập; phần còn lại sẽ giãn dần sang giai đoạn 2026-2030 theo lộ trình của từng tỉnh.
Kết quả học tập của công chức chuyên môn được cập nhật vào hồ sơ điện tử, trở thành một tiêu chí xếp loại hằng năm; trường hợp không hoàn thành chương trình đúng hạn sẽ bị ghi nhận hạn chế năng lực và phải học bổ sung trước khi nâng ngạch hoặc bổ nhiệm chức danh mới.
Lộ trình nêu trên bảo đảm bộ máy mới tinh gọn về số lượng nhưng vững mạnh về năng lực, sẵn sàng đáp ứng khối lượng công việc tăng lên sau khi địa giới hành chính được sắp xếp lại.
Kỹ năng số và chuyển đổi số trong giải quyết thủ tục hành chính được tập trung đào tạo cho cán bộ, công chức cơ sở (Ảnh minh họa: Trịnh Nguyễn).
Thực tiễn yêu cầu nâng chuẩn trình độ
Sau khi Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) được Quốc hội thông qua, HĐND cấp xã có 27 nhiệm vụ, quyền hạn, tăng thêm 19 so với trước đó. HĐND phường có 29 nhiệm vụ, tăng 22, trong đó tiếp nhận 8 nhiệm vụ từ HĐND cấp huyện chuyển xuống, cùng với các nhiệm vụ sẽ được phân cấp, phân quyền của HĐND cấp tỉnh.
Với UBND cấp xã, nhiệm vụ, quyền hạn cũng được thiết kế lại theo hướng rõ hơn về pháp lý, cụ thể hơn về chức năng, linh hoạt hơn trong tổ chức thực hiện, phù hợp với thực tiễn mới. UBND cấp xã có hai chức năng chính được xác định rõ ràng: Cơ quan chấp hành của HĐND cấp xã và là cơ quan hành chính nhà nước thực hiện thi hành pháp luật tại địa phương.
So với quy định trước đó, nhiệm vụ, quyền hạn của UBND cấp xã tăng gấp đôi, với 10 nhóm nhiệm vụ cơ bản (phường là 11 nhóm). Đặc biệt, UBND cấp xã sẽ tiếp nhận 1.060 nhiệm vụ từ cấp huyện, cùng với khoảng 12 nhiệm vụ được phân cấp từ Trung ương và thêm các nhiệm vụ do UBND cấp tỉnh giao.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà từng nói, nhiệm vụ, quyền hạn của cấp xã mới rất nặng và sẽ còn tiếp tục nhận thêm thẩm quyền do cấp tỉnh phân cấp.
Khi nhận việc, cấp xã phải nâng chất lượng cán bộ. Kết luận 150-KL/TW ngày 14/4/2025 của Bộ Chính trị lần đầu đặt ra bộ tiêu chuẩn xuyên suốt từ trình độ tin học, ngoại ngữ đến năng lực hoạch định chính sách cho cán bộ xã sau sắp xếp. Do đó, yêu cầu nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở là vấn đề quan trọng cần phải thực hiện ngay.
Theo https://dantri.com.vn/