Hội thảo khoa học “Định hướng phát triển văn học, nghệ thuật trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”

14:03 10/07/2025

Sáng ngày 10/7/2025, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức hội thảo khoa học “Định hướng phát triển văn học, nghệ thuật trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”. Chủ trì hội thảo có các đồng chí: PGS,TS Nguyễn Thế Kỷ, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương; PGS,TS Phạm Văn Linh, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; PGS,TS, Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học, nghệ thuật Việt Nam.

 

Dự Hội thảo có PGS,TS Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Giám đốc thường trực Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành; các nhà quản lý, các chuyên gia, các nhà khoa học nghiên cứu về văn học, nghệ thuật trong và ngoài nước.

Quang cảnh Hội thảo

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS,TS Nguyễn Thế Kỷ, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương khẳng định, cùng với những đổi mới và chuyển động quyết liệt, mạnh mẽ trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, sự phát triển của văn học, nghệ thuật có vai trò to lớn trong việc khơi dậy cảm hứng và ý chí tự lực tự cường, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, đặc biệt là phát huy sức mạnh văn hoá Việt Nam, con người Việt Nam khi bước vào kỷ nguyên mới, đưa đất nước đi tới hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc, tất cả vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

Với ý nghĩa đó, PGS,TS Nguyễn Thế Kỷ nhấn mạnh, Hội thảo khoa học “Định hướng phát triển văn học, nghệ thuật trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” là một diễn đàn học thuật dân chủ, sáng tạo, trách nhiệm, hữu ích của các nhà khoa học, các văn nghệ sĩ, các nhà quản lý văn hóa, văn nghệ nhằm trao đổi, hiến kế, đưa ra những định hướng đúng đắn, khoa học, giàu tính lý luận và thực tiễn, giàu tinh thần khai phóng, từ đó góp phần tháo gỡ những “điểm nghẽn” về nhận thức, tư duy, cơ chế, chính sách, mở ra hệ sinh thái sáng tạo rộng mở, phát huy cao độ trách nhiệm của các cơ quan văn hóa, văn nghệ và tài năng của đội ngũ văn nghệ sĩ nước nhà trước con đường tươi sáng của dân tộc.

PGS,TS Nguyễn Thế Kỷ phát biểu đề dẫn Hội thảo

Đồng chí nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương đề nghị các đại biểu tham dự tập trung thảo luận 5 nhóm vấn đề cơ bản sau: tăng cường nhận thức về vai trò quan trọng của văn học, nghệ thuật trong chiến lược phát triển bền vững của đất nước; tăng cường sự gắn bó chặt chẽ, máu thịt giữa phát triển văn học, nghệ thuật với thực tiễn phát triển của đất nước giàu mạnh, phồn vinh, hạnh phúc; chăm lo phát triển đội ngũ, xây dựng môi trường thuận lợi nhằm phát huy cao nhất tài năng của nghệ sĩ; phát triển thị trường văn học, nghệ thuật; xây dựng công nghiệp văn hoá và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong sáng tạo và phổ biến văn học, nghệ thuật; coi trọng bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn học, nghệ thuật dân tộc đồng thời với việc mở rộng hội nhập và đối thoại văn hoá quốc tế.

Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự khẳng định, Đảng ta luôn coi trọng và nhấn mạnh vai trò rất quan trọng của văn học, nghệ thuật trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và sự nghiệp đổi mới đất nước. Đảng và Nhân dân ta luôn kỳ vọng các văn nghệ sĩ phản ánh chân thực, sâu sắc thực tiễn đời sống đất nước, nhưng cao hơn, cấp thiết hơn lúc này là phải thể hiện sinh động hơn, sắc bén hơn khát vọng xây dựng đất nước hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc, khai mở những giá trị tinh thần mới mẻ, phong phú, kiến tạo hệ giá trị văn hoá Việt Nam, con người Việt Nam trong kỷ nguyên mới với các phẩm chất yêu nước, đoàn kết, dũng cảm, nghĩa tình, nhân văn, có ý chí tự lực tự cường, có tri thức, bản lĩnh và năng lực hội nhập quốc tế sâu rộng. Phát triển một nền văn học, nghệ thuật Việt Nam hiện đại, khoa học, nhân văn, giàu bản sắc dân tộc, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Theo các đại biểu, để có nhận thức đầy đủ, sâu sắc, có tính hệ thống về phát triển văn học, nghệ thuật trong bối cảnh lịch sử mới cần phải xác định thật rõ nội hàm khái niệm “kỷ nguyên vươn mình” và những yêu cầu mới của thời đại, quán triệt sâu sắc tinh thần các nghị quyết “bộ tứ trụ cột” đưa đất nước “cất cánh” và “ba trụ cột” phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới. Trong đó, "Bốn trụ cột" tạo ra sự phát triển đồng bộ của các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, bao gồm Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về thúc đầy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; Nghị quyết 59-NQ/TW về chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng; Nghị quyết 68-NQ/TW về đổi mới toàn diện công tác xây dựng, thi hành pháp luật; Nghị quyết 68-NQ/TW phát triển kinh tế tư nhân. “Ba trụ cột” phát triển văn học, nghệ thuật được nêu lên trong phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm tại cuộc gặp mặt đại biểu văn nghệ sĩ (Hà Nội, 31/12/2024), gồm: thứ nhất, xây dựng đội ngũ văn nghệ sĩ tài năng và có tinh thần cống hiến; thứ hai, phấn đấu có nhiều tác phẩm nghệ thuật ưu tú, giàu bản sắc; thứ ba, nghệ thuật giản dị, đặc sắc, có linh hồn, dễ hiểu, dễ thấm, dễ ngấm, có sức lan toả và sức thuyết phục lớn.

Hội thảo nhận định, sau bốn thập kỷ đổi mới đất nước, Việt Nam đã giành được nhiều thành tựu to lớn để vững bước tiến vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Đó là kỷ nguyên tăng tốc, đột phá trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội để đưa Việt Nam nhanh chóng trở thành quốc gia giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh,“sánh vai với các cường quốc năm châu”. Là nhân tố quan trọng tạo nên sức mạnh mềm văn hoá, động lực phát triển kinh tế, xã hội, văn học, nghệ thuật có sứ mệnh đồng hành với sự nghiệp cách mạng của nhân dân, miêu tả sâu sắc thực tiễn đương đại, góp phần xác lập vị thế văn hoá và bản sắc dân tộc trong thời đại mới. Song bên cạnh những điều kiện thuận lợi, trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, văn học, nghệ thuật phải đối mặt với nhiều thách thức, thậm chí thách thức nằm ngay trong cơ hội, đan xen cơ hội.

Trên cơ sở đó, Hội thảo đi sâu phân tích thực trạng phát triển văn học, nghệ thuật ở Việt Nam hiện nay, dự báo những nhân tố tác động trong thời gian tới, chỉ rõ những cơ hội, thách thức đặt ra làm căn cứ để xây dựng chiến lược phát triển văn học, nghệ thuật đúng đắn, kiến tạo hệ sinh thái sáng tạo văn học, nghệ thuật rộng mở, tạo điều kiện sản sinh nhiều tác phẩm nghệ thuật ưu tú, đáp ứng tốt nhu cầu thưởng thức nghệ thuật ngày càng cao của nhân dân, đồng thời nâng tầm vị thế văn hoá, con người Việt Nam trên trường quốc tế. 

Đại biểu tham luận tại Hội thảo

Đại biểu tham luận tại Hội thảo

 

MH & TM