Hội thảo khoa học “Những điểm mới trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc tại Đại hội XX Đảng Cộng sản Trung Quốc”
12/05/2023 15:13:00
xem cỡ chữ
T
T
Chiều ngày 12/5/2023, Viện Quan hệ quốc tế trực thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học“Những điểm mới trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc tại Đại hội XX Đảng Cộng sản Trung Quốc”. TS Ngô Chí Nguyện, giảng viên Viện Quan hệ quốc tế chủ trì Hội thảo.
TS Ngô Chí Nguyện báo cáo đề dẫn Hội thảo
Dự Hội thảo có TS Đào Ngọc Báu, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Quan hệ quốc tế; PGS,TS Phan Văn Rân, nguyên Viện trưởng Viện Quan hệ quốc tế; PGS,TS Thái Văn Long, Phó Viện trưởng Viện Quan hệ quốc tế; đại diện đơn vị quản lý khoa học cấp trên; cùng toàn thể cán bộ, giảng viên Viện Quan hệ quốc tế.
Báo cáo đề dẫn Hội thảo, TS Ngô Chí Nguyện khẳng định, việc nghiên cứu chính sách đối ngoại của Trung Quốc qua mỗi kỳ đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc luôn là nội dung lớn, có tính cấp thiết bởi nó tác động đến cục diện khu vực, toàn cầu, cạnh tranh, hợp tác giữa các nước, đặc biệt là các nước lớn. Điều này càng cấp thiết hơn với Việt Nam, một nước láng giềng, có quan hệ chặt chẽ trên nhiều mặt với Trung Quốc.
Hội thảo được chia thành hai phiên, phiên thứ nhất là tham luận về những nhân tố tác động, nội dung và điểm mới trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc tại Đại hội XX Đảng Cộng sản Trung Quốc; phiên thứ hai là thảo luận về việc triển khai chính sách đối ngoại của Đại hội XX và chính sách đối ngoại nói chung của Trung Quốc gần đây.
Các đại biểu tham luận tại Hội thảo
Đại hội lần thứ 20 Đảng Cộng sản Trung Quốc, một sự kiện quan trọng trong đời sống chính trị của Trung Quốc và thế giới đã diễn ra từ 16-22/10/2022. Thành công của Đại hội 20 mở ra một chặng đường phát triển mới trong hành trình lãnh đạo đất nước của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Các ý kiến trình bày tại Hội thảo cho biết, tại Đại hội XX, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tổng kết giai đoạn 5 năm kể từ Đại hội 19 và 10 năm thời đại mới dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Tập Cận Bình. Đồng thời, Đại hội đã vạch ra tầm nhìn chiến lược cũng như những bước đi cụ thể để Trung Quốc thực hiện mục tiêu hoàn thành hiện đại hóa vào năm 2035, trở thành cường quốc xã hội chủ nghĩa hiện đại, giàu mạnh, dân chủ, văn minh, hài hòa, tươi đẹp vào giữa thế kỷ 21 trong bối cảnh quốc tế và trong nước có nhiều biến động, tạo ra cả thời cơ và thách thức lớn trên con đường hiện thực hóa các mục tiêu quốc gia ngắn và dài hạn của Trung Quốc.
Về đối ngoại, Trung Quốc xác định mục tiêu thúc đẩy hòa bình, phát triển thế giới, xây dựng cộng đồng chung vận mệnh, tích cực tham gia cải cách, xây dựng hệ thống quản trị toàn cầu.
Đại biểu tham luận tại Hội thảo
Trung Quốc kiên định chính sách ngoại giao hòa bình độc lập và tự chủ, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các nước, khẳng định các nước đều bình đẳng, phản đối chủ nghĩa bá quyền và chính trị cường quyền, tư duy chiến tranh lạnh, can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác và áp đặt các tiêu chuẩn kép. Trung Quốc khẳng định kiên trì phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị với các nước trên cơ sở Năm nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình, thúc đẩy xây dựng quan hệ quốc tế kiểu mới; thúc đẩy phối hợp, tương tác tích cực giữa các nước lớn; theo đuổi ngoại giao láng giềng với phương châm "thân, thành, huệ, dung".
Về cơ bản, Trung Quốc tiếp tục theo đuổi mục tiêu nâng cao vị thế và ảnh hưởng quốc tế, “đóng vai trò lớn hơn trong quản trị toàn cầu”, tiếp tục thúc đẩy chính sách ngoại giao láng giềng, ngoại giao nước lớn mang đặc sắc Trung Quốc.
Trong khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu đã tập trung làm rõ các nhân tố tác động đến chính sách đối ngoại được đề ra tại Đại hội 20 Đảng Cộng sản Trung Quốc; nội dung, những điểm mới trong chính sách đối ngoại tại Đại hội 20 Đảng Cộng sản Trung Quốc; việc triển khai chính sách đối ngoại của Trung Quốc và quan hệ của Trung Quốc với một số nước hiện nay bao gồm Việt Nam; những khó khăn, thuận lợi của Trung Quốc trong việc theo đuổi các mục tiêu đối ngoại của Đại hội 20; thảo luận, làm sâu sắc thêm những kiến thức về chính sách đối ngoại của Trung Quốc nói chung và của Đại hội 20 Đảng Cộng sản Trung Quốc nói riêng, từ đó đánh giá rõ hơn những điều chỉnh chiến lược của Trung Quốc sau Đại hội XX, tác động đến môi trường quan hệ quốc tế và khu vực cũng như Việt Nam, qua đó đề xuất một số kiến nghị nhằm thúc đẩy quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong giai đoạn mới.
Tác giả: Mạnh Thắng & M.H