Quang cảnh Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS,TS Huỳnh Quyết Thắng, Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội hoan nghênh sáng kiến tổ chức Hội thảo khoa học “Nâng cao năng suất lao động và chất lượng trong kỷ nguyên số” và cho biết, đây là hoạt động thiết thực được tổ chức trên tinh thần triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Quyết định số 36/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021 - 2030.
Đồng chí Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội nhấn mạnh, năng suất lao động là động lực tăng trưởng nhanh và bền vững của đất nước, là vấn đề truyền thống nhưng cần có cách tiếp cận mới trong bối cảnh mới của thời đại, của đất nước. Chuyển đổi số không chỉ là vấn đề về hạ tầng mà tạo nên những tác động trực tiếp: Giúp người thầy sáng tạo hơn trong từng bài giảng, giúp người học có nhiều cách tiếp cận tri thức phong phú. Từ nền tảng đó, thầy và trò sẽ cùng đổi mới, sáng tạo, tạo nên những sáng kiến hữu ích trong nghiên cứu khoa học, áp dụng trong thực tế, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng lao động Việt Nam. PGS,TS Huỳnh Quyết Thắng tin tưởng các chuyên gia, nhà khoa học sẽ cùng đưa ra những giải pháp hữu ích khơi dậy tinh thần sáng tạo của sinh viên, khát vọng cống hiến của nhà nghiên cứu, cùng cống hiến cho kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
PGS,TS Huỳnh Quyết Thắng, Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội phát biểu khai mạc Hội thảo
Trao đổi tại Hội thảo, TS Phạm Thị Hoàng Hà, Viện trưởng Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) nhấn mạnh luận điểm của V.I.Lênin về vai trò của năng suất lao động trong xây dựng chủ nghĩa xã hội: “Xét đến cùng, thì năng suất lao động là cái quan trọng nhất, chủ yếu nhất cho thắng lợi của chế độ xã hội mới”.
Theo TS Phạm Thị Hoàng Hà, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm và chú trọng thực hiện những giải pháp tăng năng suất lao động. Điều này được thể hiện rõ khi tăng năng suất lao động xã hội là một trong những chỉ tiêu chủ yếu được đặt ra trong các Nghị quyết Đại hội Đảng. Trong bối cảnh kỷ nguyên số, yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của đất nước dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: “phải đổi mới tư duy và hành động, chủ động nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với quá trình hội nhập quốc tế để cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế số, xã hội số, coi đây là nhân tố quyết định để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh”. Trong đó, nhấn mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là nhân tố căn bản, cốt lõi để tăng năng suất lao động.
TS Phạm Thị Hoàng Hà, Viện trưởng Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) phát biểu tại Hội thảo
Tham luận với nội dung “Giáo dục đào tạo đáp ứng yêu cầu kỷ nguyên số ở Việt Nam hiện nay”, TS Nguyễn Văn Quyết, Phó Viện trưởng Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng: một trong những nhân tố tác động đến năng suất lao động là chất lượng nguồn nhân lực; trong đó, giáo dục và đào tạo là yếu tố nòng cốt. Trên cơ sở phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến giáo dục và đào tạo, TS Nguyễn Văn Quyết nhấn mạnh hệ thống quan điểm ngày càng hoàn thiện và sâu sắc của Đảng ta về vai trò của giáo dục, đào tạo trong phát triển nguồn nhân lực và đề xuất một số giải pháp cơ bản như: tăng cường công tác dự báo xu hướng phát triển nguồn nhân lực, hình thành một triết lý giáo dục phù hợp với bối cảnh hiện nay, một nền giáo dục khai phóng hướng tới sự sáng tạo.
Tại Hội thảo, các học giả có nhiều năm nghiên cứu về năng suất lao động và có nhiều kinh nghiệm hoạt động thực tiễn về chuyển đổi số cũng đã trình bày những tham luận sâu sắc. Đáng kể như tham luận “Nắm bắt chuyển đổi số dựa trên AI để nâng cao năng lực kiến tạo giá trị trong giáo dục: Chiến lược, chính sách, và bài học quốc tế” của GS Vũ Minh Khương, Đại học Quốc gia Singapore phân tích về bài toán năng suất trong kỷ nguyên 5.0, nâng cao năng suất trong hệ thống giáo dục và một số mô hình chính sách chiến lược, như: mô hình ASIAN, mô hình 5E; tham luận về “Mô hình chuyển đổi số đồng bộ và bền vững của Việt Nam” của TS Nguyễn Văn Cường, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Quản lý Bảo hiểm xã hội Việt Nam", hay tham luận “Quản trị tinh gọn – Hành trình thay đổi từ tư duy đến hành động: Chia sẻ kinh nghiệm và bài học triển khai tại các tổ chức dịch vụ tại Việt Nam” của Ths Vũ Hồng Dân, Viện Năng suất Việt Nam, tham luận “Vai trò và tiềm năng của chữ ký số tại các cơ sở giáo dục” của TS Đỗ Bá Lâm, Đại học Bách Khoa Hà Nội, v.v..
PGS,TS Nguyễn Bình Minh, Viện trưởng Viện Công nghệ và Kinh tế số phát biểu tại Hội thảo
TS Nguyễn Văn Quyết, Phó Viện trưởng Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) tham luận tại Hội thảo
Với tinh thần trách nhiệm và xây dựng, trong phiên thảo luận bàn tròn, các chuyên gia, các nhà khoa học và nhà quản lý đã tập trung đi sâu làm rõ những giải pháp cải tiến liên tục, giảm lãng phí và nâng cao chất lượng đào tạo như: chia sẻ phương pháp tiếp cận năng suất và chất lượng trong giáo dục, xây dựng chỉ tiêu đo lường hiệu quả hoạt động, tìm kiếm các giải pháp nâng cao năng suất vận hành....
-------
Hội thảo khoa học “Nâng cao năng suất lao động và chất lượng trong kỷ nguyên số” là một trong những hoạt động tạo nền tảng cho mạng lưới kết hợp, trao đổi, chia sẻ về tri thức và kinh nghiệm nghiên cứu của các nhà khoa học có uy tín, thể hiện sự kết hợp hiệu quả giữa khoa học xã hội nhân văn, khoa học chính trị với khoa học tự nhiên và khoa học kỹ thuật giữa các đơn vị của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Đại học Bách Khoa Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghê. Hội thảo có ý nghĩa nhất định cả về lý luận và thực tiễn, nhất là trong thởi điểm cả hệ thống chính trị, toàn thể dân tộc cùng quyết tâm để bước vào kỷ nguyên phát triển mới của đất nước, mà chuyển đổi số được xác định là một trong bảy định hướng chiến lược và Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia mới được Bộ Chính trị ban hành ngày 22/12/2024./.