GS,TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh dự và chủ trì hội thảo. Cùng chủ trì có TS Phạm Hoàng Hà, Viện trưởng Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học; TS Nguyễn Thị Hà, Phó Viện trưởng Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học. Dự hội thảo có các chuyên gia, nhà khoa học, các thành viên triển khai đề tài.
GS,TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu khai mạc, đề dẫn hội thảo
Phát biểu khai mạc, đề dẫn hội thảo, GS,TS Lê Văn Lợi cho biết, Chủ tịch Hồ Chí Minh – Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới, Người đã để lại cho dân tộc Việt Nam và nhân loại hệ di sản lớn lao về tư tưởng, đạo đức và phong cách. Trong hệ thống di sản tư tưởng của Người, nổi bật và bao trùm, xuyên suốt là tư tưởng về dân chủ và xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, dân chủ là bản chất của chủ nghĩa xã hội, dân chủ vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước. Người khẳng định: “Có phát huy dân chủ đến cao độ thì mới động viên được tất cả lực lượng của nhân dân đưa cách mạng tiến lên"; và để thực hiện được mục tiêu đó, cần phải xây dựng một nền dân chủ toàn diện trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội, với những chủ thể, điều kiện, phương thức, biện pháp đa dạng khác nhau.
GS,TS Lê Văn Lợi khẳng định, dựa trên nền tảng tư tưởng chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, qua thực tiễn xây dựng và phát triển đất nước, Đảng ta đã ngày càng khẳng định đường lối lãnh đạo đúng đắn với những thành tựu rất đỗi tự hào, trong đó có sự vận dụng, phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Theo đó, Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: “Dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước”; cùng với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, thì nền dân chủ xã hội chủ nghĩa là một trong ba trụ cột của mô hình chủ nghĩa xã hội Việt Nam.
Đại biểu tham luận tại hội thảo
Đại biểu tham luận tại hội thảo
Tuy nhiên, theo GS,TS Lê Văn Lợi, thời gian tới, bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước sẽ tiếp tục có những biến đổi nhanh chóng, phức tạp, khó lường, khó đoán định, đòi hỏi cần tiếp tục phát huy sức mạnh tổng hợp, nhất là sức mạnh nội lực, trọng tâm là phát huy mạnh mẽ vai trò chủ thể của nhân dân, góp phần đẩy mạnh thực hành dân chủ xã hội chủ nghĩa. Bởi vậy, việc tiếp tục nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam trong bối cảnh mới là một yêu cầu cấp thiết và có ý nghĩa to lớn.
Tham luận tại hội thảo, các đại biểu tập trung luận giải, xác định rõ các yếu tố trong nước và quốc tế tác động trực tiếp đòi hỏi phải nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thực hành dân chủ, xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Các tham luận cũng nhận định rõ định hướng giải pháp tiếp tục nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng dân chủ, xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong bối cảnh mới. Trong đó, tập trung vào những định hướng giải pháp về chủ thể, nội dung, phương thức, điều kiện xây dựng và thực hành nền dân chủ xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh mới, cụ thể là đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Nhất là trong thời điểm dân tộc Việt Nam đang tiến hành tổ chức lại bộ máy tinh gọn và hiệu quả; thời điểm dân tộc Việt Nam đang “hội tụ” tổng hòa các lợi thế, sức mạnh để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc…
Trên cơ sở đó, các tham luận đề xuất, kiến nghị một số nội dung cụ thể cần được tiếp tục bổ sung, phát triển trong xây dựng nền dân chủ XHCN Việt Nam để dân chủ thực sự là mục tiêu, động lực, trụ cột trong bối cảnh mới phù hợp với xu thế của thời đại và đòi hỏi tất yếu để phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Quang cảnh hội thảo