Cùng chủ trì có PGS,TS Hoàng Thị Lan, Viện trưởng Viện Dân tộc và Tôn giáo; PGS,TS Đinh Ngọc Giang, Vụ trưởng Vụ Quản lý khoa học.

GS,TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu đề dẫn Hội thảo
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, GS,TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh, tôn giáo là một hình thái đặc thù của văn hoá. Tôn giáo phản ánh tính cách, đặc trưng, bản sắc của một cộng đồng dân tộc, do đó, tôn giáo có chức năng lưu giữ, bảo tồn giá trị và bản sắc văn hoá dân tộc. Ở Việt Nam, hệ giá trị quốc gia được xác lập qua các triều đại đều chủ trương yêu chuộng hòa bình, khoan dung, lấy dân làm gốc, thống nhất trong đa dạng và khác biệt. Trong hệ giá trị này, tôn giáo cũng đã góp phần không nhỏ. Triều đại Lý, Trần ở Việt Nam (thế kỷ XI - XV) đã tôn vinh Nho – Phật – Đạo, nhiều bậc danh tăng được trọng dụng; thuyết “lục hòa”, thuyết “Tứ vô lượng tâm” (từ - bi - hỉ - xả) của Phật giáo được chính quyền sử dụng trong ứng xử chính trị, góp phần quy tụ sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc đánh thắng ngoại xâm; chính sách dân vi bản, dân là gốc, khoan thư sức dân của Nho giáo cũng góp phần tạo nên một thời đại huy hoàng và rực rỡ.
Đồng chí Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định, các giá trị văn hóa tôn giáo đã góp phần làm cho nền văn hóa Việt Nam thêm phong phú, đa dạng trong sự thống nhất, giàu tính nhân văn. Dấu ấn của hệ giá trị văn hóa tôn giáo thể hiện rõ trong nền văn hóa dân tộc cả trên văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể. Hệ giá trị văn hóa, đạo đức tôn giáo đã góp phần củng cố, hun đúc các giá trị văn hóa, đạo đức xã hội, giá trị gia đình và giá trị chuẩn mực con người Việt Nam truyền thống. Song việc nhận diện giá trị của tôn giáo trong xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam là vấn đề học thuật khá gai góc và phức tạp. GS,TS Lê Văn Lợi tin tưởng, Hội thảo khoa học “Tôn giáo trong xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá và hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam hiện nay” sẽ góp phần nhận diện giá trị của tôn giáo và vai trò của tôn giáo trong xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam khách quan và thuyết phục.

PGS,TS Hoàng Thị Lan, Viện trưởng Viện Dân tộc và Tôn giáo phát biểu tại Hội thảo
Với ý nghĩa đó, các đại biểu tham dự cho biết, tôn giáo đã xuất hiện từ rất sớm trong lịch sử loài người, phát triển qua nhiều thời kỳ khác nhau, đóng vai trò quan trọng trong việc định hình nhận thức, hành vi của con người. Giá trị văn hóa của tôn giáo thường được hiểu theo nghĩa rộng, bao gồm cả các giá trị đạo đức, nhân văn, đoàn kết, thẩm mỹ và giáo dục. Trên cơ sở đó, tôn giáo không chỉ là đức tin mà còn là một bộ phận quan trọng cấu thành văn hóa, ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh của đời sống xã hội. Trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa hiện nay, việc nghiên cứu giá trị của tôn giáo trở nên cần thiết hơn bao giờ hết, góp phần nhận thức rõ ràng hơn về vai trò của tôn giáo trong việc hình thành bản sắc văn hóa dân tộc, cũng như duy trì các giá trị văn hóa truyền thống trước những thay đổi của thời đại.

Quang cảnh Hội thảo
Tại Hội thảo, các tham luận nhấn mạnh vai trò của tôn giáo trong xây dựng các hệ giá trị quốc gia, văn hóa, gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam. Theo đó, hệ giá trị của tôn giáo được tiếp cận theo hai hướng: (1) giá trị bản thể, tôn giáo được xem như một thực thể thần thánh tối thượng và siêu việt; (2) giá trị được nảy sinh khi con người tìm đến với tôn giáo, có cảm tình với tôn giáo, có nhu cầu đức tin và thực hành thờ cúng. Những xúc cảm và hành vi tôn giáo như vậy đã tạo điều kiện để tôn giáo thu hút được đông đảo thành viên trong xã hội, tác động đến nhận thức và hành vi của họ. Bất kỳ tôn giáo nào cũng đề xướng và thúc đẩy con người hướng đến những giá trị tối thượng. Do vậy, tôn giáo góp phần tạo nên cho con người một hệ giá trị nhất định về nhân cách, đạo đức, phẩm hạnh, lối sống.

Đại biểu tham luận tại Hội thảo

Đại biểu tham luận tại Hội thảo

Đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh chung
Hội thảo khoa học “Tôn giáo trong xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá và hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam hiện nay” là một hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Viện Tôn giáo và Tín ngưỡng, nay là Viện Dân tộc và Tôn giáo trực thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh./.