Dự và chủ trì hội thảo có GS,TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện và PGS,TS Lê Văn Chiến, Viện trưởng Viện Lãnh đạo học và Hành chính công, Chủ nhiệm đề tài. Tham dự hội thảo có các nhà khoa học trong và ngoài Học viện, cán bộ, giảng viên, học viên trong Học viện.

Quang cảnh Hội thảo
Phát biểu khai mạc và đề dẫn hội thảo, GS,TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện nhấn mạnh: “Bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu là vấn đề lớn, mang tính toàn cầu, vừa có tính cấp thiết, vừa có tính lâu dài. Nhiều nghiên cứu và báo cáo trên thế giới đã khẳng định rằng vấn đề ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu đã và đang là một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại trong thế kỷ 21, có tác động nghiêm trọng đến phát triển kinh tế - xã hội và an ninh môi trường của tất cả các quốc gia trên thế giới.”
Theo GS,TS Lê Văn Lợi, trên nền tảng chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta đã sớm quan tâm và có nhiều chủ trương, chính sách đúng đắn về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Văn kiện Đại hội XIII khẳng định rõ quan điểm: “Lấy bảo vệ môi trường sống và sức khoẻ nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường.”

GS,TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu đề dẫn Hội thảo
Thực tiễn thời gian qua cho thấy, công tác bảo vệ môi trường tại Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Ý thức bảo vệ môi trường của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người dân ngày càng được nâng cao; diện tích rừng được khôi phục; mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn được chú trọng phát triển. Đồng chí Phó Giám đốc Học viện cho rằng, những thành tựu trong công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu những năm qua là do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan khác nhau nhưng có thể khẳng định thành tựu đó là một phần kết quả của quá trình nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong lĩnh vực này.
Tuy nhiên, GS,TS Lê Văn Lợi cũng thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại, thách thức còn hiện hữu như tình trạng ô nhiễm môi trường ở khu vực đô thị, các làng nghề, tài nguyên thiên nhiên vẫn còn bị khai thác quá mức, thiếu bền vững, hiện tượng thời tiết cực đoan diễn ra ngày càng gay gắt hơn, gây thiệt hại nặng nề hơn cho người dân, nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và người dân về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu chưa đầy đủ, chưa chuyển thành ý thức và hành động cụ thể, v.v..

PGS,TS Lê Văn Chiến, Viện trưởng Viện Lãnh đạo học và Hành chính công, Chủ nhiệm đề tài phát biểu tại hội thảo

Đại biểu tham luận tại Hội thảo

Đại biểu tham luận tại Hội thảo

Đại biểu tham luận tại Hội thảo
Tại hội thảo các nhà khoa học cùng nhau trao đổi, làm rõ những thành tựu, hạn chế và nguyên nhân trong nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu của Đảng ta trong thời gian qua. Bên cạnh việc phân tích những kết quả nghiên cứu đã đạt được, các đại biểu đã thẳng thắn, khách quan góp ý vào các nội dung trong báo cáo, chỉ ra những điểm còn bất cập, từ đó gợi mở những hướng chỉnh sửa cụ thể nhằm hoàn thiện báo cáo.
Nhiều tham luận tại hội thảo đã đề xuất các giải pháp nhằm tiếp tục nghiên cứu, vận dụng và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh trong bảo vệ môi trường một cách hiệu quả hơn trong bối cảnh đất nước đang bước vào kỷ nguyên phát triển mới, lấy phát triển bền vững làm định hướng xuyên suốt. Hội thảo khẳng định tiếp tục đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức và hành động cụ thể hơn trong công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu – một trong những nhiệm vụ chiến lược vì tương lai phát triển bền vững của đất nước.