Sign In

Kỷ niệm 207 năm Ngày sinh Các Mác (5/5/1818 - 5/5/2025): Tầm nhìn thiên tài về tri thức khoa học trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp

12:05 05/05/2025

Chọn cỡ chữ A a    

Các Mác là nhà tư tưởng vĩ đại trong lịch sử loài người, tư duy đỉnh cao của triết học duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, tác giả của học thuyết giá trị thặng dư, người sáng lập chủ nghĩa cộng sản khoa học, lãnh tụ thiên tài của giai cấp công nhân thế giới sinh ngày 5/5/1818 và mất ngày 14/3/1883. Dù đã cách xa trên dưới hai thế kỷ, nhưng hệ thống các học thuyết, quan điểm, tầm nhìn của Mác vẫn còn nguyên giá trị trong thời đại ngày nay. Trong số đó, quan điểm về vai trò của khoa học kỹ thuật và tầm nhìn về tri thức khoa học trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp đang đồng hành cùng con người trong thế kỷ 21.

C.Mác đã dành trọn cuộc đời mình để đấu tranh vì hạnh phúc cho mọi người. (Nguồn: tuyengiao.vn)

Quan điểm xuyên suốt của Mác đối với sự phát triển của xã hội và con người đó là: Sản xuất vật chất là yếu tố quyết định cuối cùng. Ông phân kỳ toàn bộ nền sản xuất vật chất của con người thành các phương thức sản xuất phổ biến: Cộng sản nguyên thủy, chiếm hữu nô lệ, phong kiến, tư bản chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa với giai đoạn đầu là phương thức sản xuất xã hội chủ nghĩa.

Sự vận động phủ định biện chứng từ thấp lên cao giữa các phương thức sản xuất, suy cho cùng, quyết định sự vận động của xã hội loài người từ hình thái kinh tế-xã hội thấp lên hình thái kinh tế-xã hội cao hơn. Với tầm nhìn như vậy, Mác đã “giải mã” được yếu tố quyết định cuối cùng tạo ra sự vận động của lịch sử: Không phải do “ý niệm tuyệt đối” nào cả, cũng không phải nhờ vai trò của siêu nhân và càng không phải là ngẫu nhiên, tùy tiện…, mà là do sự phát triển của nền sản xuất vật chất của toàn xã hội, thường được gọi khái quát là nền sản xuất xã hội.

Trong nghiên cứu về nền sản xuất xã hội nói chung, nhất là về các phương thức sản xuất, Mác luôn khẳng định lực lượng sản xuất, bao gồm tư liệu sản xuất và người lao động, là yếu tố “động” thường xuyên và có vai trò quyết định cuối cùng đối với các quan hệ sản xuất cũng như đối với tiến trình vận động của toàn bộ phương thức sản xuất lên phương thức tiến bộ hơn.

Các tư liệu sản xuất, trong đó có các công cụ lao động, thiết bị, máy móc…, phản ánh trình độ mối quan hệ của con người với giới tự nhiên. Mác mô tả cách thức sơ khai của con người trong quan hệ với giới tự nhiên: “Con người vận dụng những sức tự nhiên thuộc về thân thể của họ: tay, chân, đầu và hai bàn tay”(1) và tiến trình sau đó con người đã biết sử dụng những thuộc tính cơ học, lý học, hóa học của các vật, để tùy theo mục đích của mình, dùng những vật đó làm công cụ tác động vào các vật khác.

Những vật đó được Mác gọi là những “khí quan”, giúp người lao động có khả năng nối dài đôi bàn tay và làm cho quá trình tác động vào giới tự nhiên trở nên có hiệu quả hơn. “Khí quan” càng tinh xảo thì sản xuất càng rộng mở, chuyên sâu.

Với phương pháp tư duy khoa học mẫu mực, Mác đã đưa ra tầm nhìn thiên tài về tri thức khoa học trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, khi các tư liệu sản xuất thay thế được cả lao động chân tay và lao động trí óc của con người: “Sự phát triển của tư bản cố định là chỉ số cho thấy tri thức xã hội phổ biến (wissen, knowledge) đã chuyển hóa đến mức độ nào thành lực lượng sản xuất trực tiếp, do đó nó cũng là chỉ số cho thấy những điều kiện của chính quá trình sống của xã hội đã phục tùng đến một mức độ nào sự kiểm soát của trí tuệ phổ biến và đã được cải tạo đến mức độ nào cho phù hợp với quá trình ấy…”(2).

Ngày nay, hàng loạt thiết bị công nghệ hiện đại thay thế nhiều dạng lao động trí óc, trong đó có cả lao động sáng tạo nghệ thuật mang đậm biểu cảm tinh thần, đang chứng minh luận điểm của Mác vĩ đại.

Không chỉ dự báo, Mác còn nêu rõ các điều kiện để tri thức khoa học trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp. Một là, phải có nền sản xuất công nghiệp. Hai là, khoa học phải hướng vào phục vụ sản xuất. Ba là, phải có năng lực ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Diễn đạt theo cách khác, điều này có nghĩa là: Tri thức khoa học phải được vật hóa thành công cụ lao động và được vận hành trong sản xuất thông qua hoạt động thực tiễn của con người. “Sự phát triển của hệ thống máy móc trên con đường ấy chỉ bắt đầu khi nền đại công nghiệp đã đạt được một trình độ phát triển cao hơn và tất cả các môn khoa học đều được phục vụ tư bản, còn bản thân hệ thống máy móc hiện có thì có những nguồn lực to lớn.

Như vậy, phát minh trở thành một nghề đặc biệt, và đối với nghề đó thì việc vận dụng khoa học vào nền sản xuất trực tiếp tự nó trở thành một trong những yếu tố có tính chất quyết định và kích thích”(3).

Quán triệt quan điểm của Mác, lãnh tụ V.I.Lênin đặc biệt coi trọng nhiệm vụ phát triển khoa học kỹ thuật và ứng dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất lao động trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Người nhiều lần chỉ rõ, chủ nghĩa xã hội chỉ thành công, suy cho cùng, bằng năng suất lao động và trình độ xã hội hóa lực lượng sản xuất (4), đều do khoa học kỹ thuật tạo ra.

Trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Đảng, Nhà nước ta nhất quán xem cách mạng khoa học kỹ thuật là then chốt trong số ba cuộc cách mạng phải tiến hành đồng thời; phát triển khoa học-công nghệ là quốc sách hàng đầu. Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị tiếp tục xác định phát triển khoa học-công nghệ cùng với đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là đột phá, điều kiện tiên quyết và cơ hội thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược trong kỷ nguyên phát triển thịnh vượng của dân tộc Việt Nam. Những đường lối, chủ trương đúng đắn như vậy về phát triển khoa học-công nghệ đều có cơ sở lý luận từ quan điểm của Mác về vai trò của khoa học kỹ thuật và tầm nhìn của ông về tri thức khoa học trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp.

Dựa vào quan điểm của Mác, cần thật sự sáng tỏ rằng, phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo là hai nhiệm vụ tuy thống nhất nhưng không đồng nhất, tuy gắn kết hữu cơ với nhau nhưng không lẫn lộn. Phát triển khoa học-công nghệ là xây dựng tri thức khoa học cơ bản, kiến thức kỹ thuật, công nghệ nền tảng. Đổi mới sáng tạo là ứng dụng các tri thức, kiến thức cơ bản, nền tảng ấy vào thực tiễn để đổi mới công nghệ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ…

Những nhiệm vụ này tạo thành những khâu, thậm chí những bước của quá trình phát triển khoa học-công nghệ nói chung. Các nước đi sau hoàn toàn có cơ hội và khả năng rút ngắn thời gian của mỗi khâu, mỗi bước, dẫn tới rút ngắn thời gian của cả tiến trình. Trên con đường vươn tới những tầm cao của khoa học-công nghệ, chúng ta thật sự tự hào và trân trọng lý luận của Mác vẫn đang tỏa sáng, định hướng!

------------------------------------

(1) C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Toàn tập. Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.23, tr. 266.

(2) C. Mác và Ph.Ăng-ghen: Sđd, t.46, phần II, tr.372.

(3) C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Sđd, tập 46, phần II, tr.367.

(4) V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, t.39, tr. 25.

PGS, Nguyễn Viết Thảo, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Alternate Text

Bình luận

Danh sách bình luận

Số lượng ý kiến bài viết: 0

Đại hội Chi bộ Viện Dân tộc và Tôn giáo, nhiệm kỳ 2025-2030

20:20 23/05/2025

Chiều ngày 23/5/2025, Chi bộ Viện Dân tộc và Tôn giáo tổ chức Đại hội Chi bộ, nhiệm kỳ 2025-2030, PGS,TS Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện dự và chỉ đạo Đại hội.

Đại hội Chi bộ Vụ Quản lý khoa học, nhiệm kỳ 2025-2030

20:09 23/05/2025

Sáng ngày 23/5/2025, Chi bộ Vụ Quản lý khoa học tổ chức Đại hội Chi bộ, nhiệm kỳ 2025-2030, GS,TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện dự và chỉ đạo Đại hội.

Đại hội Chi bộ Viện Văn hoá và Phát triển nhiệm kỳ 2025-2030

19:59 23/05/2025

Sáng ngày 23/5/2025, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chi bộ Viện Văn hoá và Phát triển tổ chức Đại hội nhiệm kỳ 2025-2030. Đồng chí Hoàng Anh, Uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Đảng uỷ, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh dự và phát biểu chỉ đạo Đại hội.

Hành trình ý nghĩa đến Trường Sa: Nối dài tình yêu và trách nhiệm với biển đảo Tổ quốc

15:42 23/05/2025

Vào những ngày đầu tháng 5 năm 2025, trong không khí hào hùng kỷ niệm 50 năm Giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), một chuyến công tác đầy ý nghĩa đã được thực hiện, đưa Đoàn công tác số 17 gồm 165 đại biểu từ nhiều cơ quan, ban ngành, trong đó có Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, đến thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đang công tác, sinh sống tại quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1. Chuyến đi diễn ra đúng dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn, càng nhân lên ý nghĩa và để lại những dấu ấn khó phai.

Hội thảo khoa học quốc tế “Báo chí - truyền thông trong bối cảnh AI phát triển”

13:48 23/05/2025

Sáng 23/5, Học viện Báo chí và Tuyên truyền phối hợp với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tại Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học quốc tế “Báo chí - truyền thông trong bối cảnh AI phát triển”. Đây là hội thảo quốc tế lần thứ 10 trong khuôn khổ hợp tác giữa Học viện Báo chí và Tuyên truyền và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc.

Thống kê lượt truy cập

Lượt truy cập:

Khách online: