Luật Cán bộ, công chức số 80/2025/QH15 (Luật) gồm 7 chương, 45 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025.
Ban Thanh tra trân trọng giới thiệu một số điểm mới của Luật như sau:
1. Luật hóa cơ chế trọng dụng người tài trong khu vực công
Lần đầu tiên đưa vào luật quy định cụ thể về cơ chế trọng dụng và thu hút nhân tài trong khu vực công.
Điều 4 Luật quy định về cơ chế thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và chính sách đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ. Theo đó, Nhà nước có cơ chế đặc biệt để thu hút chuyên gia, nhà khoa học, luật gia, luật sư giỏi, doanh nhân tiêu biểu, xuất sắc, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc và nguồn nhân lực chất lượng cao khác vào làm việc trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội; chính sách trọng dụng, đãi ngộ xứng đáng đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Người có tài năng trong hoạt động công vụ là cán bộ, công chức (CBCC) có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có khát vọng cống hiến, phụng sự Tổ quốc và Nhân dân; có năng lực chuyên môn, kỹ năng vượt trội thể hiện qua giải quyết công việc; Có tư duy đổi mới, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; đạt được những thành tích nổi bật trong hoạt động công vụ thể hiện bằng kết quả, sản phẩm cụ thể, mang lại giá trị, hiệu quả cao cho tổ chức, ngành, lĩnh vực trong phạm vi cả nước hoặc địa phương.
2. Quy định rõ ràng, đầy đủ hơn về đạo đức công vụ và văn hóa giao tiếp của đội ngũ cán bộ, công chức
Luật đã khẳng định yêu cầu CBCC phải “có đạo đức trong sáng, mẫu mực, thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư trong thực thi công vụ”, đồng thời nhấn mạnh tinh thần yêu nước, trung thành với Tổ quốc, tận tụy phục vụ nhân dân; phải có bản lĩnh, tinh thần đổi mới, sáng tạo, hội nhập quốc tế; đoàn kết, kỷ luật, kỷ cương trong công vụ; gương mẫu, không ngừng tu dưỡng, học tập suốt đời (Điều 12).
Đáng chú ý, Luật lần này dành riêng Điều 13 quy định về văn hóa giao tiếp - một nội dung trước đây chưa được luật hóa rõ ràng. Không chỉ yêu cầu CBCC lịch sự, tôn trọng đồng nghiệp trong công sở, Luật còn quy định cụ thể về tác phong, ngôn ngữ, thái độ của CBCC khi tiếp xúc với Nhân dân: Phải đeo huy hiệu, phù hiệu, cấp hiệu hoặc thẻ công chức, tôn trọng, lắng nghe ý kiến và gần gũi với Nhân dân; nghiêm túc, khiêm tốn; ngôn ngữ giao tiếp phải chuẩn mực, rõ ràng, mạch lạc; không được hách dịch, cửa quyền, gây phiền hà cho người dân, cho doanh nghiệp khi thi hành công vụ. Những quy định này thể hiện sự chuyển biến trong tư duy lập pháp - coi văn hóa công vụ là một thiết chế góp phần xây dựng một nền công vụ văn minh, đặt người dân vào vị trí trung tâm của phục vụ.
3. Đổi mới công tác tuyển dụng công chức
Để đổi mới công tác tuyển dụng và đơn giản hóa thủ tục hành chính, Luật bổ sung nguyên tắc người được tuyển dụng phải đáp ứng ngay yêu cầu của vị trí việc làm (khoản 3 Điều 18) và được bố trí vào vị trí việc làm và xếp ngạch công chức tương ứng sau khi được tuyển dụng (khoản 3 Điều 20). Một điểm đổi mới quan trọng là bỏ chế độ tập sự đối với người trúng tuyển, lược bỏ quy định kiểm định chất lượng đầu vào công chức thống nhất cấp quốc gia để đẩy mạnh phân cấp, phân quyền. Những quy định trên giúp rút ngắn quy trình tuyển dụng, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cho phép các cơ quan nhanh chóng có được nhân sự phù hợp, nâng cao tính linh hoạt và chủ động trong tuyển dụng.
4. Phân loại vị trí việc làm của công chức gồm 3 loại
Theo khoản 3 Điều 23 Luật quy định vị trí việc làm của công chức gồm 3 loại: Vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý; Vị trí việc làm chuyên môn, nghiệp vụ; Vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ.
Luật cũng quy định rõ, chậm nhất đến ngày 01/7/2027 cơ quan có thẩm quyền phải thực hiện xong việc xếp ngạch công chức theo vị trí việc làm.
5. Thực hiện đánh giá công chức gồm 04 nội dung: Nguyên tắc đánh giá, Thẩm quyền đánh giá, Phương thức đánh giá, Nội dung đánh giá
Trong đó, xác định cụ thể 3 nguyên tắc đánh giá cụ thể là: Bảo đảm dân chủ, công khai, công bằng, minh bạch, khách quan, xuyên suốt, liên tục, đa chiều; Nội dung đánh giá phải được định lượng tối đa về tiến độ, chất lượng hiệu quả gắn với vị trí việc làm; Ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong theo dõi, đánh giá, xếp loại chất lượng công chức (khoản 1 Điều 25).
Việc đánh giá sẽ được thực hiện thông qua 02 phương thức đánh giá: Theo dõi, đánh giá thường xuyên, liên tục, đa chiều định lượng bằng các tiêu chí cụ thể gắn với tiến độ, chất lượng của kết quả, sản phẩm theo từng vị trí việc làm; Đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm (khoản 2 Điều 25).
Khoản 1 Điều 26 Luật quy định công chức được xếp loại chất lượng hằng năm theo 4 mức: Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; Hoàn thành tốt nhiệm vụ; Hoàn thành nhiệm vụ; Không hoàn thành nhiệm vụ.
Điều 27 Luật quy định sử dụng kết quả theo dõi, đánh giá, xếp loại chất lượng công chức để thực hiện công tác cán bộ (đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, điều động, bổ nhiệm hoặc bố trí vào vị trí việc làm cao hơn; thực hiện chế độ tiền lương…); thực hiện khen thưởng, chế độ thu nhập tăng thêm, tiền thưởng theo quy định; xem xét, bố trí vào vị trí việc làm thấp hơn hoặc cho thôi việc đối với trường hợp không hoàn thành nhiệm vụ hoặc không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
6. Các hình thức kỷ luật đối với cán bộ, công chức từ 01/7/2025
Điều 36 Luật quy định các hình thức kỷ luật đối với công chức. Theo đó, công chức vi phạm quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật sau đây: a) Khiển trách; b) Cảnh cáo; c) Cách chức, áp dụng đối với công chức lãnh đạo, quản lý; d) Buộc thôi việc.
Công chức bị Tòa án kết án phạt tù mà không được hưởng án treo hoặc bị kết án về tội phạm tham nhũng thì đương nhiên bị buộc thôi việc kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật.
Công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý phạm tội bị Tòa án kết án và bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì đương nhiên thôi giữ chức vụ do bổ nhiệm.
Như vậy Luật Cán bộ, công chức năm 2025 chỉ còn 05 hình thức xử lý kỷ luật đối với CBCC gồm: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức, bãi nhiệm, buộc thôi việc.
So với Nghị định 112/2020/NĐ-CP, quy định mới đã không còn hình thức “Hạ bậc lương” đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý; không còn hình thức kỷ luật “Giáng chức” với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.
7. Quy định chuyển tiếp
Tại Điều 45 Luật quy định: CBCC cấp xã được bầu hoặc tuyển dụng trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành nếu đáp ứng đủ tiêu chuẩn về trình độ đào tạo thì được chuyển thành cán bộ, công chức theo quy định của Luật này và được bố trí công tác tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc hệ thống chính trị tại cấp xã hình thành sau sắp xếp, thuộc biên chế của địa phương nơi công tác và thực hiện tinh giản biên chế trong thời hạn 5 năm theo quy định của Chính phủ và hướng dẫn của cấp có thẩm quyền.
Chậm nhất đến ngày 01/7/2027, các bộ, ngành, cơ quan trung ương, địa phương phải hoàn thành việc bố trí vào vị trí việc làm và xếp ngạch tương ứng với vị trí việc làm đối với công chức được tuyển dụng trước ngày Luật này có hiệu lực thuộc phạm vi quản lý theo quy định của Luật này.
Kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, người đang tập sự theo quy định của Luật Cán bộ, công chức số 22/2008/QH12 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 52/2019/QH14 được xếp vào ngạch công chức tương ứng với vị trí việc làm tuyển dụng.
Để triển khai kịp thời, toàn diện, thống nhất, đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả Luật Cán bộ, công chức năm 2025, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1575/QĐ-TTg ngày 22/7/2025 ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Cán bộ, công chức năm 2025.