Toàn cảnh Hội thảo
Tham dự Hội thảo, về phía Hội đồng Lý luận Trung ương, có PGS,TS, Thượng tướng Nguyễn Văn Thành, nguyên Uỷ viên BCHTW Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương; TS Lục Anh Tuấn, Thư ký Hội đồng lý luận Trung ương. Về phía Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, có GS,TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; PGS,TS Đoàn Triệu Long, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực III; PGS,TS Đinh Ngọc Giang, Vụ trưởng Vụ Quản lý khoa học; TS Đào Ngọc Báu, Viện trưởng Viện Quan hệ quốc tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; PGS,TS Phạm Đức Kiên, Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực III. Về phía Tạp chí Cộng sản, có PGS,TS Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; TS Phùng Ngọc Bảo, Vụ trưởng, Trưởng cơ quan Thường trực Tạp chí Cộng sản tại miền Nam. Về phía lãnh đạo Thành phố Đà Nẵng, có TS Nguyễn Đình Vĩnh, Phó Bí thư Thường trực Thành Ủy Đà Nẵng. Cùng tham dự hội thảo còn có các đại biểu, các nhà khoa học đến từ Học viện Chính trị khu vực III, các Viện nghiên cứu, các trường Đại học, Ban Tuyên giáo các Tỉnh uỷ, Thành uỷ, các Trường Chính trị, các ban, sở, ngành của thành phố Đà Nẵng và các địa phương khu vực miền Trung, Tây Nguyên.
GS,TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu đề dẫn Hội thảo
Báo cáo đề dẫn Hội thảo, GS,TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định: Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Bảo đảm an ninh phi truyền thống trong bối cảnh hiện nay” là một diễn đàn quan trọng để các chuyên gia, nhà hoạch định chính sách và các bên liên quan thảo luận về những thách thức hiện tại và tương lai trong lĩnh vực an ninh phi truyền thống, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn và đề xuất các giải pháp sáng tạo, hiệu quả để ứng phó với các mối đe doạ an ninh phi truyền thống, bảo đảm sự ổn định và phát triển của đất nước nói chung, các tỉnh, thành phố nói riêng. Thông qua việc tổng hợp các quan điểm, phương hướng, giải pháp phong phú, toàn diện từ nhiều lĩnh vực, đa dạng về chuyên môn, Hội thảo sẽ có những đóng góp quan trọng đối với việc xây dựng cách tiếp cận toàn diện và hiệu quả đối với những vấn đề an ninh phi truyền thống, phù hợp với bối cảnh tình hình của thế kỷ XXI, phù hợp đặc thù của Việt Nam và của từng địa phương. Đặc biệt, Hội thảo là một hoạt động thiết thực, góp phần vào tổng kết nhiệm kỳ Đại hội Đảng lần thứ XIII và chuẩn bị văn kiện Đại hội XIV của Đảng.
TS Nguyễn Đình Vĩnh, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, TS Nguyễn Đình Vĩnh, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng chào mừng các đại biểu và các nhà khoa học đã chọn Đà Nẵng làm địa điểm tổ chức Hội thảo cấp quốc gia. Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cho biết, với vị trí địa lý đặc thù, trong công cuộc đổi mới và hội nhập ngày càng sâu rộng, với sự phát triển mạnh mẽ của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư, thành phố Đà Nẵng cũng như nhiều địa phương trên cả nước đang đối mặt với những khó khăn, thách thức từ các mối đe doạ an ninh phi truyền thống, nhất là các mối hiểm họa từ thiên tai, bão lụt, dịch bệnh; tình trạng ngập úng đô thị; tình trạng buôn bán, sử dụng trái phép chất ma túy trong thanh thiếu niên; tình trạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản; các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao ngày càng tinh vi, diễn biến phức tạp… Trong bối cảnh đó, Đà Nẵng nhất thiết phải chủ động tiếp cận và xác định các giải pháp ứng phó hiệu quả, vì vậy, Hội thảo là một kênh thông tin tham khảo quan trọng đối với chính quyền và nhân dân thành phố Đà Nẵng.
PGS,TS, Thượng tướng Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu tại hội thảo
Phiên trao đổi bàn tròn tại Hội thảo
Đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm
Trong chương trình làm việc, Hội thảo được chia làm 02 phiên: Phiên tham luận, thảo luận và phiên trao đổi bàn tròn. Qua đó, các báo cáo tham luận và ý kiến trao đổi, thảo luận của các chuyên gia, nhà khoa học và các nhà quản lý đều thống nhất cho rằng: Bên cạnh các vấn đề an ninh truyền thống, phổ biến, thường liên quan đến sức mạnh cứng, trực tiếp tác động đến an ninh, chủ quyền biên giới, lãnh thổ quốc gia, đến chế độ xã hội, hiện nay xuất hiện ngày càng nhiều các vấn đề an ninh phi truyền thống, không có tiền lệ, liên quan đến cả sức mạnh cứng và sức mạnh mềm, tác động rất phức tạp và khó lường đến an ninh, an toàn của người dân, cộng đồng, đất nước và cả thế giới. Trong đó nổi bật là chủ nghĩa khủng bố quốc tế, khủng hoảng môi trường do biến đổi khí hậu, dịch bệnh toàn cầu,tội phạm công nghệ cao, ma túy và tội phạm ma tuý, tội phạm sinh học, tội phạm tài chính - tiền tệ, thông tin giả… Trên cơ sở đó, Hội thảo đã tập trung làm rõ những vấn đề cơ bản như: Nhận diện các nhân tố đe dọa an ninh phi truyền thống trong bối cảnh hiện nay; Kinh nghiệm thế giới và thực trạng ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống ở Việt Nam; Hệ thống các giải pháp bảo đảm an ninh phi truyền thống ở Việt Nam trong kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Ban Biên tập Cổng TTĐT
(Sỹ Bùi thực hiện)