GS,TS Nguyễn Xuân Thắng chủ trì buổi tiếp
Cùng dự buổi tiếp và làm việc có bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam; ông Quintin Chou Lambert, Trưởng Văn phòng Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc; cán bộ, nhân viên cơ quan thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam.
Về phía Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có PGS,TS Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện; PGS,TS Nguyễn Mạnh Hùng, Trợ lý đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị; lãnh đạo Viện Lãnh đạo học và Chính sách công, Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Quản lý khoa học, Trung tâm Ứng dụng Công nghệ thông tin; cán bộ, công chức, viên chức Học viện.
Vui mừng chào đón ông Amandeep Singh Gill, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc, Đặc phái viên Tổng Thư ký Liên hợp quốc về công nghệ lần đầu đến thăm và làm việc tại Học viện, GS,TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương giới thiệu khái quát về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Học viện, cũng như quan hệ hợp tác của Học viện với các đối tác trong và ngoài nước, trong đó có các cơ quan của Liên hợp quốc tại Việt Nam.
Quang cảnh buổi tiếp
Ghi nhận và đánh giá cao những kết quả hợp tác đã đạt được giữa Học viện và các cơ quan Liên hợp quốc trong nhiều năm qua, GS,TS Nguyễn Xuân Thắng mong muốn trong thời gian tới hai bên tiếp tục thúc đẩy và hỗ trợ lẫn nhau trong các lĩnh vực cùng quan tâm, đặc biệt là trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và chuyển đổi số. Đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cho biết, hiện nay phát triển quốc gia không thể tách rời khoa học, công nghệ, chuyển đổi số. Mới đây, Bộ Chính trị Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, xác định rõ phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới.
GS,TS Nguyễn Xuân Thắng khẳng định, để triển khai hiệu quả Nghị quyết trong thực tiễn, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh luôn hoan nghênh và sẵn sàng hợp tác với các cơ quan của Liên hợp quốc để thúc đẩy khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số qua các chương trình, dự án tập huấn nâng cao năng lực, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, trí tuệ nhân tạo (AI), quản trị quốc gia dựa trên công nghệ số…
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm
Trân trọng cảm ơn sự tiếp đón trọng thị của GS,TS Nguyễn Xuân Thắng và các cộng sự, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc, Đặc phái viên Tổng Thư ký Liên hợp quốc về công nghệ Amandeep Singh Gill cho biết, đây là chuyến thăm đầu tiên của ông tới Việt Nam kể từ khi đảm nhận vai trò này; chuyến thăm nhằm thúc đẩy các cuộc thảo luận cấp cao về chuyển đổi số và quản trị AI cũng như các sáng kiến của Việt Nam trong các lĩnh vực mới nổi này, bao gồm cả những nỗ lực xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia; tăng cường hiểu biết và triển khai Thoả thuận Kỹ thuật số toàn cầu (Global Digital Compact); tìm kiếm và mở rộng quan hệ hợp tác, phối hợp tăng cường hoạt động đổi mới sáng tạo, khoa học, công nghệ, chuyển đổi số trong các lĩnh vực có tầm quan trọng và trọng yếu quốc gia.
Chia sẻ và nhất trí với các đề xuất hợp tác của GS,TS Nguyễn Xuân Thắng, ông Amandeep Singh Gill khẳng định vai trò, ý nghĩa và lợi ích đặc biệt quan trọng của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đối với Việt Nam nói riêng, với tương lai toàn cầu trong bối cảnh hiện nay. Vì vậy, ông Amandeep Singh Gill cho rằng, những khuôn khổ duy trì hợp tác để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khoa học, công nghệ và chuyển đổi số giữa hai bên là hết sức cần thiết và cần được quan tâm hơn nữa trong thời gian tới.
Tại buổi tiếp và làm việc, hai bên cũng đã trao đổi, làm rõ thêm những nội dung, định hướng, tiềm năng hợp tác của hai bên trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và những vấn đề cần quan tâm trong quá trình thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác này như vấn đề tự chủ, chủ quyền, cách thức tiếp cận cân bằng và công bằng…
-------
Ông Amandeep Singh Gill được bổ nhiệm làm Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc, Đặc phái viên Tổng Thư ký Liên hợp quốc về công nghệ vào tháng 6/2022. Trong vai trò này, ông dẫn dắt các sáng kiến chiến lược về công nghệ của Tổng Thư ký, điều phối hoạt động trong hệ thống Liên hợp quốc và hợp tác với các bên liên quan. Trước đó, ông từng là Giám đốc điều hành và đồng Chủ tịch Nhóm cấp cao về Hợp tác Kỹ thuật số của Tổng Thư ký Liên hợp quốc (2018-2019) và Đại sứ kiêm Đại diện thường trực của Ấn Độ tại Hội nghị giải trừ quân bị ở Geneva (2016-2018). Nhờ những đóng góp có ảnh hưởng lớn trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, ông được tạp chí Time bình chọn là 100 người có ảnh hưởng nhất trong lĩnh vực AI vào năm 2024./.