Các đồng chí chủ trì hội thảo
Chủ trì Hội thảo có các đồng chí: GS,TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; GS,TS Tạ Ngọc Tấn, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương; TS Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; GS,TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Tham dự Hội thảo tại Hà Nội, có các đồng chí đại diện lãnh đạo Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, các ban, bộ, ngành ở Trung ương và Thành phố Hà Nội, cùng đại diện lãnh đạo một số tỉnh và đông đảo các nhà khoa học.
Thành quả của Lớp học đầu tiên thời dựng Đảng, đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị bền vững
Phát biểu khai mạc và đề dẫn Hội thảo, GS,TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh, Hội thảo là dịp để chúng ta nghiên cứu, tìm hiểu và làm sâu sắc hơn truyền thống vẻ vang, pho lịch sử bằng vàng của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong đó có công tác huấn luyện cán bộ - công việc gốc của Đảng; về vai trò, tầm quan trọng chiến lược và ý nghĩa to lớn của công tác huấn luyện cán bộ đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Đồng thời, là dịp để cán bộ, đảng viên bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu - Người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta, Người thày đầu tiên trong công tác huấn luyện cán bộ của Đảng.
GS,TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu khai mạc, đề dẫn Hội thảo
Đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cho biết, cuối năm 1925, tại Quảng Châu, lớp huấn luyện chính trị chính thức đầu tiên được tổ chức, mở ra một bước ngoặt mới trong quá trình tập hợp, xây dựng lực lượng cách mạng; chuẩn bị cho việc thành lập Đảng và công cuộc cứu nước, giải phóng dân tộc. Vượt qua mọi khó khăn, trong giai đoạn 1925-1927, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã mở được 10 lớp huấn luyện, mỗi lớp học tập một tháng rưỡi cho khoảng 250-300 học viên, đây có thể được coi là những khóa huấn luyện cán bộ “chính quy” đầu tiên, với cách thức tổ chức quản lý lớp, huấn luyện học viên rất hệ thống, bài bản, toàn diện, thiết thực, không ham nhiều, “mở lớp nào cho ra lớp ấy”.
Đích thân lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cùng một số cán bộ chủ chốt của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và cán bộ Xô-viết trong phái đoàn đại diện của Chính phủ Liên Xô bên cạnh Chính phủ Trung Hoa Quốc dân Đảng, cán bộ của Đảng Cộng sản Trung Quốc trực tiếp tham gia giảng dạy, huấn luyện. Trong những bài giảng hết sức khái quát và sinh động, dễ hiểu, dễ nhớ, thiết thực, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã quán triệt sâu sắc và thể hiện vận dụng sáng tạo lý luận Mác-Lênin phù hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam; coi đó là “nguyên tắc vàng” được hình thành ngay từ buổi ban đầu mở lớp. Các học viên tham gia chương trình huấn luyện đã được khai mở tri thức về lịch sử cách mạng thế giới, lý luận Mác - Lênin, quan điểm cách mạng của Quốc tế cộng sản và của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc; được chú trọng trang bị kiến thức lý luận đi đôi với phương pháp tư duy và phương thức hoạt động cách mạng... từ đó hình thành thế giới quan và nhân sinh quan cách mạng đúng đắn.
Đại biểu dự hội thảo
Cũng kể từ đây, phong trào cách mạng Việt Nam đã bước sang một trang mới, một bước phát triển cả về chất và lượng, được trang bị về vũ khí tư tưởng - lý luận và về xây dựng đội ngũ, công tác tổ chức - cán bộ, tiền đề hết sức quan trọng tiến tới việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào mùa xuân năm 1930.
“Nhìn lại 100 năm đã trôi qua, chúng ta càng thấy rõ tầm vóc, giá trị, ý nghĩa và đúc kết được những bài học vô cùng quý báu từ những lớp học đầu tiên thời dựng Đảng, cứu quốc, mở đầu cho truyền thống đào tạo, bồi dưỡng cán bộ vẻ vang, rất đỗi tự hào của Đảng Cộng sản Việt Nam”, GS,TS Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh.
Kế thừa, phát huy truyền thống và những bài học kinh nghiệm trong công tác huấn luyện cán bộ qua các thời kỳ cách mạng, qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới, đặc biệt trong những năm gần đây, Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh đổi mới toàn diện công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; trong đó, có đổi mới, đa dạng hoá về nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo hướng phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực của cán bộ.
GS,TS Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, hệ thống các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhất là hệ thống trường Đảng trong cả nước, hạt nhân là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, với vai trò là trung tâm quốc gia đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý trung cao cấp, cán bộ khoa học lý luận chính trị của toàn hệ thống chính trị, đang được xây dựng, tổ chức theo hướng tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; khẳng định vị thế của Học viện là ngôi trường cao cấp nhất của Đảng, “hiện đại, bản sắc, hội nhập” mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh; đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Đại biểu Trung Quốc tham luận tại hội thảo
GS,TS Tạ Ngọc Tấn, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương tham luận tại Hội thảo
PGS,TS Trần Minh Trưởng, nguyên Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng tham luận tại hội thảo
Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được hơn 50 tham luận của các nhà khoa học, đại diện các cơ quan Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành ở Trung ương và đại diện lãnh đạo một số tỉnh, thành phố, quận, huyện trên phạm vi cả nước. Bằng những luận cứ khoa học, từ nhiều góc độ khác nhau, các báo cáo tham luận đã phân tích tầm nhìn chiến lược của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh về công tác huấn luyện, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, để lại những giá trị to lớn cho Đảng và cách mạng Việt Nam. Phác họa chặng đường cách đây tròn một thế kỷ, sau khi tiếp nhận ánh sáng chủ nghĩa Mác-Lênin và trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặc biệt quan tâm tới việc xây dựng, huấn luyện đội ngũ cán bộ cách mạng. Tầm nhìn chiến lược đúng đắn, xa rộng của Người, thành quả của Lớp học đầu tiên thời dựng Đảng, đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị bền vững, đặt cơ sở nền tảng về lý luận và thực tiễn cho sự hình thành và phát triển quan điểm của Đảng ta về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; để lại những bài học kinh nghiệm quý, soi sáng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hiện nay và tương lai.
Nhà nghiên cứu Trương Vệ Ba của Ban Nghiên cứu và Giảng dạy Lịch sử Đảng, Trường Đảng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc nhấn mạnh: việc Nguyễn Ái Quốc mở Lớp đào tạo chính trị cán bộ thanh niên yêu nước Việt Nam tại Quảng Châu năm 1925 có vị trí và vai trò hết sức quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam và lịch sử đào tạo cán bộ của dân tộc Việt Nam, đồng thời, cũng đóng vai trò tích cực và có ảnh hưởng sâu rộng trong việc thúc đẩy cách mạng Trung Quốc. Theo đó, Lớp đào tạo chính trị dành cho cán bộ trẻ yêu nước Việt Nam do Nguyễn Ái Quốc sáng lập tại Quảng Châu đã đào tạo hơn 70 cán bộ, một số cán bộ sau này vào Trường Quân sự Hoàng Phố. Trong số họ, nhiều người đã trở thành nòng cốt của cách mạng Việt Nam sau này trở thành lực lượng trung kiên của cuộc đấu tranh vũ trang ở Việt Nam. Trong số đó, Hồng Thủy (tức tướng Nguyễn Sơn) cũng có những đóng góp to lớn cho cách mạng Trung Quốc và là vị tướng nước ngoài duy nhất được Trung Quốc phong quân hàm vào năm 1955.
Quang cảnh hội thảo
Các ý kiến và tham luận cũng cho rằng những lớp huấn luyện cán bộ đầu tiên, đã để lại cho Đảng và cách mạng Việt Nam nhiều bài học kinh nghiệm quý như cách thức Đảng tuyển chọn đối tượng đào tạo, bồi dưỡng, nhất là đối với cán bộ cấp chiến lược... Một số báo cáo đề cập đến công tác xây dựng hệ thống trường Đảng từ tầm nhìn chiến lược của Hồ Chí Minh. Các tham luận khẳng định, Đảng ta đã ban hành nhiều chủ trương về xây dựng hệ thống trường Đảng từ Trung ương đến địa phương, góp phần quan trọng vào công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, kịp thời đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội, tiến hành đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế...
Các báo cáo đều thống nhất, bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, phải phấn đấu xây dựng đất nước hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc, sánh vai cùng các cường quốc năm châu như tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu và khát vọng cháy bỏng của nhân dân Việt Nam. Trong đó, đòi hỏi công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của hệ thống chính trị phải không ngừng đổi mới, tiến cùng nhịp bước khẩn trương của thời đại để thực hiện thành công “công việc gốc” của Đảng trong kỷ nguyên mới.
Thông qua Hội thảo khoa học, góp phần tổng kết sâu sắc những phương diện lý luận và thực tiễn của công tác huấn luyện, đào tạo cán bộ - một trong những nhiệm vụ rất cần kíp, then chốt của công tác cán bộ; khẳng định những thành tựu, đúc kết những bài học kinh nghiệm quý báu. Trên cơ sở đó, đề xuất kiến nghị giải pháp tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thời kỳ mới, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng trí tuệ, bản lĩnh, có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong kỷ nguyên phát triển mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Đại biểu chụp ảnh chung tại Hội thảo