GS,TS Nguyễn Xuân Thắng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu phát động phong trào "Bình dân học vụ số" và khai mạc Hội nghị
Dự Lễ phát động và Hội nghị có các đồng chí lãnh đạo Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; lãnh đạo các ban, bộ ngành Trung ương; các đồng chí lãnh đạo, đối tác triển khai mô hình quản trị thông minh của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Học viện, các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Phát biểu tại Lễ phát động và Hội nghị, GS,TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương khẳng định chuyển đổi số là cuộc cách mạng mới, tạo ra biến đổi sâu sắc, cải cách mạnh mẽ lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất. Thời gian qua, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật nhằm xây dựng nền tảng số, thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện. Đặc biệt, Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị đã xác định, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là đột phá quan trọng hàng đầu, động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới.
Đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh, chuyển đổi số đã tham gia vào mọi mặt hoạt động của đất nước từ chính trị, kinh tế đến văn hóa, xã hội. Trong bối cảnh đó, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phải là đơn vị tiên phong đầu tiên trong chuyển đổi số, thực hiện chuyển đổi số trong các hoạt động điều hành, tác nghiệp, đào tạo, nghiên cứu khoa học… của Học viện. Quán triệt và hiện thực hóa các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ hoạt động chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong hệ thống Học viện với việc ban hành Nghị quyết số 43-NQ/ĐU về thúc đẩy chuyển đổi số tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 ngày 11/7/2024 và mô hình quản trị thông minh tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh bắt đầu chính thức đi vào vận hành từ 1/4/2025.

GS,TS Nguyễn Xuân Thắng và các đại biểu khánh thành mô hình quản trị thông minh tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
GS,TS Nguyễn Xuân Thắng cho biết, gần đây Thủ tướng Chính phủ đã phát động phong trào và ra mắt nền tảng “Bình dân học vụ số” nhằm phổ cập tri thức, công nghệ về chuyển đổi số, kỹ năng số cho toàn dân, xoá mù về chuyển đổi số. Vì vậy, việc nâng cao nhận thức về phong trào “Bình dân học vụ số”, hoạt động chuyển đổi số đối với các cán bộ, viên chức, người lao động trên toàn hệ thống Học viện và các Trường Chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là hết sức quan trọng. Việc phổ cập tri thức số cho toàn dân nói chung, cho các cán bộ, viên chức, người lao động trong hệ thống giảng dạy lý luận chính trị chính là nền móng để xây dựng nên một đội ngũ giảng viên có kiến thức, kỹ năng số, ứng dụng công nghệ số an toàn, hiệu quả để có những bài giảng, bài viết, công trình khoa học chất lượng, thực tiễn và mang tính ứng dụng cao. Triển khai phong trào “Bình dân học vụ số” và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số là phương thức, quá trình để nâng cao chất lượng lãnh đạo, quản lý, chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh dạo, quản lý, cán bộ công chức viên chức và nghiên cứu khoa học lý luận chính trị, khoa học hành chính quản lý nhà nước, quản trị công trong kỷ nguyên mới.
Với ý nghĩa đó, GS, TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát động phong trào “Bình dân học vụ số” và Hội nghị về chuyển đổi trong hoạt động của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tại Hội nghị, GS,TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cùng các đại biểu đã bấm nút chính thức khánh thành mô hình quản trị thông minh tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Các đại biểu tham dự Lễ phát động và Hội nghị
Báo cáo về công tác chuyển đổi số trong quản lý điều hành, đào tạo, nghiên cứu, giảng dạy giai đoạn 2021-2025 và phương hướng nhiệm vụ giai đoạn 2025-2030, PGS,TS Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc thường trực Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định trong 5 năm qua, công tác ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số đã được Đảng uỷ, Ban Giám đốc Học viện quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, được triển khai đồng bộ, thống nhất từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển của Học viện. Hệ thống công nghệ thông tin đã được quản lý thống nhất, đồng bộ, xuyên suốt từ Trung tâm Học viện đến các đơn vị trực thuộc, các trường chính trị. Công tác đầu tư, xây dựng, triển khai dự án công nghệ thông tin được thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc, bảo đảm đúng quy định của Đảng và Nhà nước, xuất phát từ nhu cầu thực tế của Học viện và người sử dụng trên toàn hệ thống. Đội ngũ cán bộ, viên chức của các đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin của toàn hệ thống Học viện đã vượt qua các khó khăn, thách thức để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
Trong 5 năm qua, hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ chuyển đổi số của Học viện từng bước được triển khai đồng bộ, thống nhất, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Từ việc thiếu cả về nguồn lực, hạ tầng cũ, chắp vá, nhiều năm không được nâng cấp, được sự quan tâm của Đảng uỷ, Ban Giám đốc Học viện, hạ tầng công nghệ thông tin trên toàn hệ thống Học viện đã đầu tư trọng tâm, trọng điểm, hiện đại hoá như dự án nâng cấp hệ thống cầu truyền hình trực tuyến từ Trung tâm Học viện đến các Học viện trực thuộc và các trường chính trị; dự án xây dựng mô hình quản trị thông minh tại Học viện - dự án công nghệ đầu tiên của Việt Nam sử dụng phương thức đấu thầu quốc tế với các sản phẩm, trang thiết bị thuộc các quốc gia tiên tiến, các thiết bị phần cứng được bảo hành 05 năm, phần mềm có bản quyền, mã nguồn thuộc về Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, có thời gian bảo hành, thay đổi chức năng theo yêu cầu trong 3 năm,.. Các Học viện trực thuộc cũng đã từng bước, chủ động đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật phục vụ các nhiệm vụ của đơn vị, bước đầu hoàn thiện cơ sở vật chất hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin hướng tới chuyển đổi số toàn diện, mọi mặt hoạt động của Học viện
Hệ thống phần mềm được quan tâm đầu tư, từng bước phục vụ chuyển đổi số tại Học viện. Phần mềm đào tạo trực tuyến được triển khai trên toàn hệ thống. Phần mềm rà soát chống sao chép, trùng lặp đã được triển khai rộng khắp, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học trên toàn hệ thống. Học viện Chính trị khu vực I, II, III, IV; Học viện Báo chí và Tuyên truyền; Học viện Hành chính và Quản trị công (trước là Học viện Hành chính Quốc gia) đã xây dựng các phần mềm quản lý đào tạo và một số phần mềm khác trong quản lý khoa học, đánh giá thi đua, khen thưởng. Tại Trung tâm Học viện, hệ thống thư viện điện tử, thư viện số được đầu tư với các dự án lớn, trọng điểm và triển khai; thư viện của các Học viện trực thuộc được đầu tư và là địa chỉ để các nhà khoa học, học viên tiếp cận các công trình nghiên cứu qua tài liệu số hóa. Đến nay, dự án xây dựng mô hình quản trị thông minh tại Học viện đã được triển khai đại trà, thống nhất với các phần mềm liên thông, tích hợp toàn diện với các tính năng hiện đại, tiên tiến, đáp ứng yêu cầu của Học viện trong tiến trình chuyển đổi số.

PGS,TS Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc thường trực Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh báo cáo tại Hội nghị
Trên cơ sở phát biểu chỉ đạo của GS,TS Nguyễn Xuân Thắng và Báo cáo về công tác chuyển đổi số trong quản lý điều hành, đào tạo, nghiên cứu, giảng dạy giai đoạn 2021-2025 và phương hướng nhiệm vụ giai đoạn 2025-2030 được trình bày tại Hội nghị, các đại biểu tham dự tập trung đánh giá thực trạng, chỉ rõ những kết quả đã đạt được, những thuận lợi, khó khăn, bất cập, yếu kém và bài học kinh nghiệm trong quá trình triển khai chuyển đổi số giai đoạn 2021-2024; quá trình chuyển đổi số, những cơ hội thuận lợi và khó khăn, thách thức khi thực hiện chuyển đổi số toàn diện, toàn bộ các mặt hoạt động để thống nhất nhận thức và hành động, “dọc ngang thông suốt” trong toàn hệ thống Học viện và các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Điểm cầu trực tuyến với điểm cầu các tỉnh, thành trên toàn quốc
Từ những vấn đề đang đặt ra, các đại biểu tham dự thảo luận cụ thể về kế hoạch, phương thức và giải pháp để chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện các lĩnh vực, các mặt hoạt động của Học viện và các Trường Chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; nghiêm túc thực hiện chương trình “Bình dân học vụ số”, ứng dụng và triển khai mô hình quản trị Học viện thông minh và các hệ thống phần mềm quản lý theo phương châm “Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Nêu gương - Chất lượng - Hiệu quả”; đề xuất các định hướng và giải pháp cho giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn đến năm 2045 để tăng cường các nguồn lực đầu tư về nhân lực, tài chính, cơ sở vật chất, công nghệ, cơ chế, chính sách, bảo đảm triển khai có hiệu quả các hoạt động chuyển đổi số đối với hệ thống Học viện và các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Hội nghị cũng đã thống nhất cao về tầm quan trọng của chuyển đổi số trong các mặt hoạt động quản lý điều hành, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nghiên cứu khoa học của Học viện và các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; xác định chuyển đổi số là động lực, “là đột phá quan trọng hàng đầu” để hoàn thành các nhiệm vụ, trọng trách mà Đảng và Nhà nước giao cho Học viện và các trường chính trị trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc./.