Tham dự buổi tiếp và làm việc về phía RANEPA có ông Andrey Margolin, Phó Giám đốc RANEPA; bà Natalia Shafinskaia, Trưởng ban Ban Hợp tác quốc tế. Về phía Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có PGS,TS Hoàng Văn Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế; đại diện lãnh đạo Văn phòng Học viện; Vụ Tổ chức cán bộ; Vụ Quản lý khoa học; Vụ Quản lý đào tạo, bồi dưỡng; Vụ Các trường Chính trị; Viện Chính trị và Quan hệ quốc tế.

PGS,TS Nguyễn Duy Bắc chủ trì tiếp đoàn
Phát biểu tại buổi tiếp, PGS,TS Nguyễn Duy Bắc bày tỏ vui mừng được đón tiếp Đoàn cán bộ RANEPA sang thăm và làm việc tại Học viện trong bối cảnh Việt Nam đang hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025). PGS,TS Nguyễn Duy Bắc cho biết chiến thắng lịch sử này của Việt Nam không thể tách rời sự giúp đỡ quý báu, to lớn và hiệu quả của nhân dân Liên Xô trước đây và nhân dân Nga hiện nay. “Chúng tôi luôn trân trọng và ghi nhớ sự hỗ trợ chí tình của Nga dành cho Việt Nam trong suốt những năm tháng kháng chiến và xây dựng đất nước,” PGS,TS Nguyễn Duy Bắc nói.
Đồng chí Phó Giám đốc thường trực Học viện cho biết, năm 2025 cũng là dấu mốc quan trọng khi hai nước Việt Nam – Liên bang Nga kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1950 – 2025). Mối quan hệ truyền thống, hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa hai nước đã không ngừng được củng cố và phát triển, đặc biệt trong lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý. PGS,TS Nguyễn Duy Bắc cho biết, từ những năm đầu của cách mạng, Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ to lớn từ phía Liên Xô trong công tác đào tạo cán bộ. Nhiều thế hệ lãnh đạo của Việt Nam đã từng học tập và trưởng thành từ các cơ sở đào tạo của Liên Xô trước đây và Nga hiện nay.
Trong những năm gần đây, Học viện Hành chính Quốc gia (nay là Học viện Hành chính và Quản trị công) thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã thiết lập và duy trì mối quan hệ hợp tác sâu rộng với RANEPA. Hai bên đã ký kết các văn kiện hợp tác, triển khai hiệu quả nhiều chương trình trao đổi đoàn, học tập, nghiên cứu và bồi dưỡng cán bộ. “Chúng tôi đánh giá cao sự phối hợp và hỗ trợ của RANEPA trong thời gian qua. Nhiều đoàn cán bộ, giảng viên Việt Nam đã có cơ hội sang thăm, học tập và nghiên cứu tại RANEPA, điều đó góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của chúng tôi,” PGS,TS Nguyễn Duy Bắc chia sẻ.
Đồng chí Phó Giám đốc thường trực Học viện mong muốn hai bên tiếp tục tăng cường hợp tác thông qua nhiều hình thức đào tạo đa dạng, cả trực tiếp và trực tuyến, từ các chương trình ngắn hạn đến đào tạo đại học và sau đại học,… Đồng thời, đề xuất hoàn thiện và ký kết bản ghi nhớ hợp tác mới giữa hai Học viện. Dự kiến, trong thời gian tới, GS,TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh sẽ có chuyến thăm và làm việc tại Liên bang Nga. Trong khuôn khổ chuyến thăm, hai bên sẽ thảo luận cụ thể về nội dung hợp tác và chính thức ký kết văn kiện quan trọng này.

Quang cảnh buổi tiếp và làm việc
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Andrey Margolin đánh giá cao vai trò, vị thế của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trong hệ thống đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý của Việt Nam. Ông khẳng định, Học viện không chỉ là trung tâm nghiên cứu lý luận chính trị hàng đầu, mà còn là đối tác tiềm năng trong hợp tác quốc tế về giáo dục – đào tạo. Ông Andrey Margolin cũng chia sẻ thông tin khái quát về RANEPA – một trong những trung tâm đào tạo hàng đầu của Liên bang Nga trong lĩnh vực quản trị công và kinh tế quốc dân. Với mạng lưới đào tạo rộng khắp và đội ngũ chuyên gia uy tín, RANEPA hiện đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển nguồn nhân lực cho khu vực công của Nga.
Đặc biệt, ông Andrey Margolin nhấn mạnh ý nghĩa của việc tăng cường hợp tác giáo dục – đào tạo giữa hai quốc gia trong bối cảnh quan hệ Việt – Nga ngày càng phát triển tốt đẹp, hướng tới chiều sâu và hiệu quả thiết thực. Ông bày tỏ kỳ vọng vào việc mở rộng các chương trình trao đổi giảng viên, học viên, cũng như triển khai các dự án nghiên cứu chung giữa hai bên trong thời gian tới, góp phần thúc đẩy mối quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước trong lĩnh vực giáo dục, nghiên cứu và đào tạo cán bộ.

Đại biểu chụp ảnh chung
------------------------------------
Học viện Hành chính Công và Kinh tế Quốc dân Nga trực thuộc Tổng thống Liên bang Nga (viết tắt RANEPA) là cơ sở giáo dục đại học đào tạo ở mọi cấp độ các chuyên ngành thuộc lĩnh vực kinh tế, xã hội và nhân văn; cũng như đào tạo và bồi dưỡng các lãnh đạo, cán bộ quản lý cấp cao trong bộ máy hành chính tại Liên bang Nga. Học viện là tổ chức giáo dục duy nhất trực thuộc quản lý trực tiếp của Tổng thống Liên bang Nga (tương đương cấp Bộ, với vai trò, vị trí và chức năng tương tự Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, hay Trường Hành chính Quốc gia của Pháp).
Tiền thân của RANEPA chính là Viện Khoa học xã hội Trực thuộc Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, nơi đã từng đào tạo và bồi dưỡng gần 1.000 cán bộ lãnh đạo cao cấp của Việt Nam, trong đó tiêu biểu như: Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng...