
Quang cảnh tọa đàm
Dự tọa đàm có các chuyên gia, nhà khoa học đến từ Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Quỹ Rosa – Luxemburg, Bộ Quốc phòng, Học viện Chính trị và Hành chính quốc gia Lào.
Lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam ngày càng hoàn thiện và từng bước được hiện thực hóa
Phát biểu khai mạc và đề dẫn hội thảo, PGS,TS Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho biết: sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam đã khẳng định: “Chỉ có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới có thể giải quyết triệt để vấn đề độc lập cho dân tộc, mới có thể đem lại cuộc sống tự do, ấm no và hạnh phúc thực sự cho tất cả mọi người, cho các dân tộc”. Theo lời hiệu triệu của Người, toàn thể dân tộc Việt Nam đã đứng lên, đoàn kết một lòng đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.

PGS,TS. Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu khai mạc đề dẫn tọa đàm
Vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn nhất quán khẳng định: chủ nghĩa xã hội là mục tiêu, lý tưởng của Đảng và nhân dân Việt Nam; đi lên chủ nghĩa xã hội là yêu cầu khách quan, là con đường tất yếu của cách mạng Việt Nam. Gần 40 năm đổi mới là quá trình Đảng Cộng sản Việt Nam không ngừng tìm tòi sáng tạo, phát triển lý luận với nhiều đột phá quan trọng về chủ nghĩa xã hội như: Đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức; phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng con người, nâng cao đời sống nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện, v.v..
Kiên định và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo đất nước giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, từng bước vượt qua khủng hoảng, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội và đạt được những thành tựu có ý nghĩa lịch sử. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam tổng kết: “Nhìn lại 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam ngày càng hoàn thiện và từng bước được hiện thực hóa… Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế như ngày nay”. Những thành tựu phát triển của đất nước chính là sự kết tinh sức sáng tạo của Đảng ta và nhân dân ta, khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại; khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam, là ngọn cờ quy tụ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc phấn đấu vì một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Ông Stefan Mentchel- Giám đốc Quỹ Rosa - Luxemburg Đông Nam Á phát biểu tại tọa đàm
Tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của việc kiên định và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
Với nhiều tham luận, ý kiến phát biểu trao đổi, thảo luận trực tiếp tại tọa đàm, đơn cử như tham luận: “Quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về các phương hướng xây dựng chủ nghĩa xã hội Việt Nam thời kỳ đổi mới” của PGS,TS Bùi Thị Ngọc Lan, “Lý luận về “Ba trụ cột” trong xây dựng chủ nghĩa xã hội Việt Nam thời kỳ đổi mới” – PGS,TS Nguyễn An Ninh, “Quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về nhận thức và giải quyết các mối quan hệ lớn trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội Việt Nam thời kỳ đổi mới: - GS,TS Trần Văn Phòng, v.v.. các chuyên gia, nhà khoa học tập trung làm rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc kiên định và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, nhất là trong gần 40 năm đổi mới vừa qua. Nhận diện rõ những thành tựu đạt được, những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ để tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, đưa đất nước tiến lên theo định hướng xã hội chủ nghĩa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo các chuyên gia, nhà khoa học, trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội, Việt Nam còn gặp những khó khăn, thách thức như: kinh tế tăng trưởng không ổn định, chất lượng tăng trưởng, khả năng cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp; khoảng cách giàu nghèo có xu hướng gia tăng; chất lượng giáo dục, chăm sóc y tế và nhiều dịch vụ công chất lượng còn thấp; văn hoá, đạo đức xã hội có mặt xuống cấp, v,v... Đặc biệt, tình trạng tham nhũng, lãng phí, suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống vẫn diễn ra trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Trong khi đó, các thế lực thù địch lại luôn tìm mọi thủ đoạn để can thiệp, chống phá, gây mất ổn định, thực hiện âm mưu "diễn biến hoà bình" nhằm xóa bỏ chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Thực tiễn đó đặt ra yêu cầu cấp thiết trong việc nghiên cứu, vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Trên cơ sở trao đổi kinh nghiệm sinh động, phong phú của thế giới, trong đó có kinh nghiệm của các đảng cánh tả ở Đức, kinh nghiệm của các quốc gia có trình độ phát triển tương đương, các quốc gia tương đồng về thể chế chính trị, v.v.. cùng những phân tích, đánh giá, các dự báo về xu hướng phát triển của chủ nghĩa tư bản hiện đại, chủ nghĩa xã hội hiện thực, phong trào cách mạng thế giới đến giữa thế kỷ XXI, các tham luận đã đề xuất nhiều giải pháp, kiến nghị đối với Đảng, Nhà nước Việt Nam nhằm góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn phục vụ đường lối, chiến lược phát triển đất nước trong thời gian tới.

Đại biểu dự tọa đàm

Đại biểu tham luận tại tọa đàm