
GS,TS Lê Văn Lợi chủ trì cuộc họp
Dự cuộc họp có PGS,TS Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; TS Bùi Trường Giang, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương; các thành viên Hội đồng Giám khảo Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ năm, năm 2025 cấp Học viện; lãnh đạo, cán bộ Văn phòng Ban Chỉ đạo 35 Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Phát biểu tại cuộc họp, GS,TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Trưởng Ban Tổ chức Cuộc thi khẳng định, sau thời gian phát động và tổ chức triển khai sâu rộng, đồng bộ trong toàn hệ thống Học viện, Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ năm, năm 2025 tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã được các đơn vị trực thuộc, cán bộ, giảng viên, học viên các hệ lớp tham gia tích cực, tâm huyết và trách nhiệm.
Để đảm bảo lựa chọn được các tác phẩm có chất lượng tốt của Học viện tham gia dự thi cấp Trung ương, đồng chí Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Trưởng Ban Tổ chức Cuộc thi đề nghị Hội đồng Giám khảo thảo luận, thống nhất tiêu chí, thang điểm và phương thức chấm trước khi các tiểu ban áp dụng vào chấm thi; thống nhất quan điểm lựa chọn tác phẩm dự thi có điểm từ cao xuống thấp đến ít nhất 70 điểm và không nhất thiết phải lấy đủ 200 bài theo quy định. Đối với số bài ngoài hệ thống Học viện, dựa trên kết quả chấm thi thực tế, sẽ lấy các bài có điểm từ cao xuống thấp bằng với số điểm lựa chọn của Học viện để gửi tham gia dự thi ở cấp Trung ương.

Các đại biểu tham dự
Báo cáo tình hình triển khai Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ năm, năm 2025 tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và đề xuất phương án chấm, lựa chọn tác phẩm dự thi cấp Trung ương được trình bày tại cuộc họp cho biết, thực hiện Kế hoạch số 92-KH/HVCTQG ngày 19/02/2025 của Giám đốc Học viện về việc tổ chức Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ năm, năm 2025 tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, các đơn vị trong hệ thống Học viện đều chủ động, nghiêm túc xây dựng kế hoạch triển khai Cuộc thi, tổ chức hướng dẫn, sàng lọc, hoàn thiện tác phẩm. Nhiều đơn vị tại Trung tâm Học viện huy động hội đồng khoa học, hướng dẫn giảng viên, học viên xây dựng bài dự thi một cách bài bản.
Các Học viện trực thuộc triển khai sáng tạo, thu hút đông đảo người tham gia. Học viện Chính trị khu vực IV phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ, Trường Đại học Đồng Tháp, Trường Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long tổ chức thi và trao giải. Học viện Báo chí và Tuyên truyền tiếp tục đóng góp cho Cuộc thi với số lượng lớn tác phẩm, với gần 5.000 cán bộ, giảng viên, sinh viên tham gia. Học viện Hành chính và Quản trị công, lần đầu tiên tham gia theo Kế hoạch chung sau sáp nhập, đã huy động toàn bộ cán bộ, học viên, sinh viễn, thu hút số lượng bài thi lớn nhất (5.385 bài).
Theo Báo cáo, Ban Tổ chức đã thu nhận được tổng số 13.763 tác phẩm dự thi trong toàn hệ thống Học viện; tăng đáng kể so với tổng số 8012 tác phẩm dự thi năm 2024. Ngoài ra, Học viện còn tiếp nhận khoảng 100 tác phẩm dự thi của tác giả ngoài hệ thống Học viện gửi đến trực tiếp, một số văn bản thơ, thư cảm nghĩ, kiến nghị, phản ánh, liên quan tới Cuộc thi.
Sau khi tiến hành sàng lọc, quét trùng lặp nội dung, 700/1320 tác phẩm của Học viện đủ điều kiện đưa vào chấm; và có 56 tác phẩm nộp trực tiếp đủ điều kiện đưa vào chấm; trong đó có 477 tác phẩm Tạp chí, 216 tác phẩm Báo, 39 tác phẩm Video clip, 15 tác phẩm Truyền hình và 09 tác phẩm Phát thanh, Ngoài ra, Ban Tổ chức nhận được 06 tác phẩm dự thi của học viên nước ngoài hiện đang học tập tại Học viện. Những tác phẩm này sẽ được đánh giá để đưa vào dự thi cấp Trung ương.

Quang cảnh cuộc họp
Về phương thức chấm, tuyển chọn tác phẩm của Học viện dự thi cấp Trung ương, Ban Tổ chức đã tiến hành làm sạch thông tin cá nhân các sản phẩm dự thi, đánh số phách để phục vụ Hội đồng Giám khảo làm việc. Hội đồng Giám khảo được tổ chức thành 03 tiểu ban: Tạp chí (16 đồng chí), Báo (06 đồng chí), Phát thanh - Truyền hình/Video clip (06 đồng chí). Mỗi sản phẩm dự thi được 02 giám khảo chấm độc lập, điểm chính thức là điểm trung bình chung của 02 Giám khảo. Nếu chênh nhau quá 20 điểm, đồng chí trưởng ban sẽ chấm và trao đổi thống nhất với hai giám khảo. Phiếu chấm điểm với thang điểm 100 và 5 nội dung, tiêu chí đánh giá, đã kế thừa thang điểm từ Cuộc thi năm 2024 và tổng hợp từ ý kiến góp ý của các chuyên gia liên quan đến sử dụng AI và điều chỉnh điểm thành phần.
Trên cơ sở đó, các đại biểu tham dự trao đổi và thống nhất cao về tiêu chí, thang điểm và phương thức chấm, quan điểm lựa chọn tác phẩm gửi dự thi cấp Trung ương.
Với tinh thần khẩn trương, trách nhiệm và công tâm, ngay sau cuộc họp, các tiểu ban Tạp chí, Báo, Phát thanh -Truyền hình/ Video clip đã tổ chức chấm thi tập trung tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh./.