Chủ trì Hội thảo có các đồng chí: PGS,TS Đinh Ngọc Giang, Vụ trưởng Vụ Quản lý khoa học; PGS,TS Lý Việt Quang, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng; TS Đinh Ngọc Quý, Phó Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng.

PGS,TS Đinh Ngọc Giang, Vụ trưởng Vụ Quản lý khoa học phát biểu đề dẫn Hội thảo
Dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo Học viện Ngoại giao; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các viện nghiên cứu chuyên ngành trực thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Phát biểu khai mạc và đề dẫn Hội thảo, PGS,TS Đinh Ngọc Giang, Vụ trưởng Vụ Quản lý khoa học khẳng định, với hơn 80 tuổi đời, 50 năm hoạt động cách mạng liên tục, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ là một tấm gương sáng về tinh thần yêu nước, ý chí đấu tranh cách mạng kiên cường vì độc lập dân tộc, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Ở mọi cương vị công tác, đồng chí đều thể hiện bản lĩnh, trí tuệ và phẩm chất của người chiến sĩ cách mạng, được đồng bào, đồng chí yêu mến, tin cậy, được bạn bè quốc tế nể trọng. Di sản quý báu của đồng chí để lại kết tinh thành hệ giá trị, mang nhiều chỉ dẫn quý báu cho công cuộc đổi mới đất nước hiện nay.
Đồng chí Vụ trưởng Vụ Quản lý khoa học nhấn mạnh, với ý nghĩa đó, Hội thảo khoa học “Đồng chí Nguyễn Hữu Thọ - Nhà trí thức yêu nước nhiệt thành, tấm gương tiêu biểu về đại đoàn kết dân tộc” nhân dịp kỷ niệm 115 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Hữu Thọ là sự kiện có nhiều ý nghĩa, là dịp để tiếp tục tôn vinh, tri ân những cống hiến to lớn của đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc; giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng cho các thế hệ hôm nay, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Đồng chí Nguyễn Hữu Thọ (bí danh Ba Nghĩa), sinh ngày 10/7/1910 tại làng Long Phú, tổng Long Hưng Hạ, phủ Trung Quận, tỉnh Chợ Lớn (nay là xã Bến Lức, tỉnh Tây Ninh). Năm 11 tuổi, Nguyễn Hữu Thọ đi du học tại Pháp, tốt nghiệp Cử nhân Luật, trở về nước năm 1933 và làm nghề luật sư. Chứng kiến sự đàn áp dã man của chính quyền thực dân đối với những người yêu nước và nhân dân vô tội trong cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ (11/1940), Nguyễn Hữu Thọ nhận rõ bản chất tàn bạo, tội ác man rợ của kẻ thù và khâm phục lòng yêu nước, tinh thần hy sinh anh dũng, ý chí kiên cường và lý tưởng cao đẹp của những người cộng sản. Sự kiện đó đã tác động mạnh mẽ đến suy nghĩ, tình cảm của người trí thức yêu nước nhiệt thành Nguyễn Hữu Thọ. Năm 1949, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, trực tiếp tham gia công tác trí vận của Đảng ở Sài Gòn - Chợ Lớn. Năm 1950, thực dân Pháp bắt đồng chí đưa đi quản thúc tại bản Giẳng, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Năm 1954, đồng chí bị chính quyền Sài Gòn bắt và lưu đày ở miền núi Củng Sơn, tỉnh Phú Yên, cho đến khi được lực lượng vũ trang của Khu V giải thoát.

Quang cảnh Hội thảo
Tại Đại hội lần thứ I (2/1962) và lần thứ II (3/1964) Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Trên cương vị người đứng đầu Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, đồng chí đã quán triệt và thực hiện thành công tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; quy tụ, tập hợp được nhiều nhân sĩ, trí thức, tôn giáo và các tầng lớp nhân dân miền Nam đi theo cách mạng; hình thành nên “lực lượng thứ ba”, tích cực đấu tranh cho mục tiêu: hòa bình, độc lập, thống nhất đất nước. Tháng 9/1969, đồng chí là Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, có những đóng góp quan trọng vào việc hoạch định các chủ trương, đường lối đấu tranh, đưa ra những quyết sách kịp thời, chính xác, phù hợp với tình hình thực tiễn, góp phần đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi.
Sau khi đất nước thống nhất, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ đảm trách các chức vụ Phó Chủ tịch nước, Quyền Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội và Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã có nhiều đóng góp quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng Nhà nước Việt Nam mới theo tinh thần pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Với tư cách là thành viên của Ủy ban dự thảo Hiến pháp, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã tham gia soạn thảo bản Hiến pháp sửa đổi và trình Quốc hội vào năm 1980. Ngày 18/12/1980, tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa VI nhất trí thông qua Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và ngày 19/12/1980, Quyền Chủ tịch nước Nguyễn Hữu Thọ đã ký lệnh Công bố bản Hiến pháp năm 1980.
Trên cương vị Chủ tịch Quốc hội, với sự am hiểu trên nhiều lĩnh vực, nhất là ngành Luật, bên cạnh chỉ đạo soạn thảo và tham gia soạn thảo Hiến pháp, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ có những đóng góp to lớn trong việc xây dựng nhiều bộ luật quan trọng của Nhà nước Việt Nam thời kỳ sau khi đất nước thống nhất và trong những năm đầu đổi mới, để Quốc hội thực sự giữ vai trò - cơ quan quyền lực cao nhất, cơ quan lập pháp Việt Nam, là hình ảnh của khối đoàn kết toàn dân tộc, đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân Việt Nam.

Đại biểu tham luận tại Hội thảo
Trên lĩnh vực đối ngoại, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, với tư cách là Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ đã gửi nhiều thư, điện mừng, tuyên bố, thông điệp, trả lời phỏng vấn kêu gọi sự ủng hộ quốc tế, lên án cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ ở Việt Nam. Khi đất nước thống nhất, đồng chí dẫn đầu đoàn đại biểu nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam dự các hội nghị quốc tế quan trọng như Hội nghị cấp cao các nước Không liên kết (năm 1986), Hội nghị cấp cao các nước sử dụng tiếng Pháp (năm 1987) và thăm hữu nghị nhiều nước trên thế giới. Đồng chí đã góp phần quan trọng vào việc quy tụ sức mạnh thời đại để ủng hộ cách mạng Việt Nam, tăng cường khối đoàn kết quốc tế, tăng cường đoàn kết giữa nhân dân ta với nhân dân toàn thế giới trong cuộc đấu tranh chung vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Với những cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc Việt Nam, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, được Nhà nước Liên Xô, Nhà nước Cuba, Nhà nước Bungari, Hội đồng hòa bình thế giới tặng nhiều huân chương và giải thưởng cao quý khác.

Đại biểu tham luận tại Hội thảo
Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự tập trung thảo luận, làm rõ một số nội dung chủ yếu sau đây: đồng chí Nguyễn Hữu Thọ - một thanh niên trí thức tài năng và yêu nước nhiệt thành đến với lý tưởng cộng sản; nhà lãnh đạo tài năng, tấm gương tiêu biểu về đại đoàn kết toàn dân tộc; người học trò xuất sắc, nêu gương sáng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Các đại biểu khẳng định, sau gần 40 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, cả nước đang bước vào kỷ nguyên phát triển mới, nhưng cũng còn nhiều khó khăn, thách thức đan xen, đòi hỏi sự quyết tâm, nỗ lực phấn đấu hơn nữa của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Điều đó càng đòi hỏi phải vận dụng và phát triển sáng tạo, noi gương tinh thần kiên định, lòng yêu nước nhiệt thành, tấm gương tiêu biểu về đại đoàn kết toàn dân tộc của đồng chí Nguyễn Hữu Thọ để kiên định mục tiêu và con đường cách mạng mà Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta đã lựa chọn, đưa đất nước ta vượt qua khó khăn, thách thức, nắm bắt thời cơ và hiện thực hóa thắng lợi khát vọng vươn mình của dân tộc trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vì một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa phát triển hùng cường, thịnh vượng.