Các đồng chí: Ngô Đông Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương; GS,TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Nguyễn Thị Kim Chi, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo; Trung tướng Trương Thiên Tô, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Quân đội nhân dân Việt Nam; Trung tướng Trần Minh Lệ, Cục trưởng Cục Đào tạo, Bộ Công an đồng chủ trì Hội thảo.

Quang cảnh Hội thảo
Phát biểu đề dẫn hội thảo, GS,TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng của giáo dục lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân và trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà và xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Điều này được khẳng định xuyên suốt trong nhiều văn kiện của Đảng. Kết luận số 94-KL/TW ngày 28/3/2014 của Ban Bí thư về việc tiếp tục đổi mới việc học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân đã tạo bước ngoặt đối với công tác giảng dạy và học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân thời gian qua.

GS,TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu đề dẫn Hội thảo
Việc thực hiện có hiệu quả Kết luận 94-KL/TW là động lực để tạo sự chuyển biến về chất trong công tác dạy và học các môn lý luận chính trị, đạo đức, giáo dục công dân hiện nay. Dạy và học tốt các môn chính trị, đạo đức, giáo dục công dân sẽ tạo ra “sức đề kháng” cho thế hệ trẻ trong giai đoạn bùng nổ thông tin đa chiều và sự giao thoa văn hóa hiện nay.
Bằng những luận chứng khoa học và thực tiễn, các tham luận tại Hội thảo tập trung phân tích, làm rõ, luận giải những nội dung tiền đề quan trọng, ý nghĩa, thiết thực, sâu sắc của Kết luận số 94-KL/TW; khẳng định sự quan tâm của Đảng và Nhà nước với sự nghiệp giáo dục, công tác giáo dục lý luận chính trị.

Các đại biểu tham dự Hội thảo
Các tham luận cũng thống nhất đánh giá, qua 10 năm thực hiện Kết luận số 94-KL/TW, công tác giáo dục lý luận chính trị đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Hệ thống chương trình và giáo trình lý luận chính trị được ban hành tương đối đồng bộ, có sự tích hợp giá trị truyền thống, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Tỷ lệ học sinh, sinh viên được tiếp cận với các môn học lý luận chính trị ngày càng tăng, nhiều trường đã có sáng kiến đổi mới giảng dạy gắn lý luận với thực tiễn, đối thoại chính trị với sinh viên. Nhiều mô hình giảng dạy sáng tạo như học tập ngoại khóa, thảo luận chuyên đề, sử dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội bước đầu phát huy hiệu quả trong việc truyền cảm hứng trong học tập.
Với tinh thần thẳng thắn, khách quan và khoa học, các ý kiến phát biểu và tham luận tại Hội thảo đã chỉ ra một số tồn tại, hạn chế cơ bản cần sớm khắc phục, như: nội dung giáo trình còn nặng tính hàn lâm, thiếu gắn kết thực tiễn; phương pháp giảng dạy chậm đổi mới; đội ngũ giảng viên lý luận chính trị còn thiếu về số lượng; cơ sở vật chất nhìn chung còn lạc hậu; thiếu bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả giáo dục lý luận chính trị trong thực tiễn; một bộ phận sinh viên chưa thật sự tích cực, hứng thú trong học tập lý luận chính trị.

Đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ươngphát biểu kết luận Hội thảo
Phát biểu kết luận Hội thảo, đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương đánh giá cao ý nghĩa của Hội thảo. Đồng chí nhấn mạnh, giáo dục lý luận chính trị là một trong những công cụ quan trọng góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao vào giữa thế kỷ XXI.
Để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục lý luận chính trị trong thời kỳ phát triển mới, đồng chí Ngô Đông Hải nhấn mạnh một số nhóm giải pháp trọng tâm: Rà soát, cập nhật nội dung giáo dục lý luận chính trị theo hướng gắn với thực tiễn đất nước và các vấn đề toàn cầu; giáo trình mới cần được biên soạn theo hướng tích hợp, gợi mở, lấy thực tiễn để chứng minh lý luận, phù hợp với từng đối tượng học, cấp học, ngành học và điều kiện thực tế; đổi mới phương pháp giảng dạy và đánh giá kết quả, lấy người học làm trung tâm, đẩy mạnh đối thoại, thảo luận nhóm, phản biện...
Đặc biệt, cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, hệ thống bài giảng số, học liệu mở, mô phỏng tương tác để nâng cao tính thuyết phục và hấp dẫn trong hoạt động giảng dạy.
Bên cạnh đó, cần quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên lý luận chính trị theo chuẩn mới: giỏi lý luận, am hiểu thực tiễn, thành thạo công nghệ thông tin; đồng thời, thiết lập cơ chế phối hợp thống nhất giữa Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ngành liên quan và các địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các chủ trương của Đảng về công tác giáo dục lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân...
Hội thảo khoa học quốc gia "Đổi mới việc học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân đáp ứng yêu cầu phát triển trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc" do Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương chủ trì, phối hợp Ban Tổ chức Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức đã nhận được hơn 70 bài viết, báo cáo tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các thầy, cô giáo./.